“Nó chính là một nhà máy cung cấp những dịch vụ trực tuyến của Microsoft đang ngày ngày làm thay đổi thế giới Internet như Hotmail, Bing…”, Giám đốc các DataCenter của Microsoft nói.
Nằm dọc theo đường cao tốc Chicago, ngay bên dưới đường bay của sân bay O'Hare là một tòa nhà chứa “chiếc máy tính” trị giá hơn 500 triệu USD mới đi vào hoạt động từ ngày 20/7/2009. Đó là Northlake trung tâm dữ liệu mới nhất và lớn nhất của tập đoàn phần mềm khổng lồ Microsoft
Vẻ bên ngoài của tòa nhà khiến cho người ta có cảm giác thứ chứa bên trong có một sức mạnh “khủng khiếp” bởi tất cả đều được xây dựng bằng đá nguyên khối. Trung tâm dữ liệu này của Microsoft được xây dựng trên một diện tích rộng 702.000 feet vuông (khoảng 65.217 mét vuông). Người ta đã phải tốn 3.400 tấn thép, 2.400 tấn đồng và 26.000 feet khối bê tông.
Rải khắp bên trong tòa nhà là 190 dặm ống dẫn cáp điện và 7,5 dặm ống nước làm mát cho những chiếc máy chủ đang làm việc.
Làm nhiệm vụ cung cấp điện cho trung tâm dữ liệu này là một nhà máy điện nguyên tử dạng nhỏ có công suẩt thiết kế ban đầu là 30 megawatt – một nguồn điện đủ để cung cấp cho khoảng 20.000 hộ dân bình thường. Microsoft đang có kế hoạch nâng công suất của nhà máy điện này lên thêm 30 megawatt nữa trong năm tới.
Tuy rộng lớn và hiện đại như vậy nhưng Microsoft chỉ có khoảng 45 nhân viên làm việc tại trung tâm này bao gồm cả các nhân viên quản lý, kỹ sư, kỹ thuật viên, nhân viên an ninh và một đội quân gác cổng.
Tất nhiên, tòa nhà này không hề có một cửa sổ và đường vào cũng luôn luôn trong tình trạng vắng teo chỉ có những chiếc camera an ninh liên tục quay đi quay lại cùng với đó là những chiếc máy cảm biến sinh trắc học thuộc hàng hiện đại nhất để có thể phát hiện từ xa kẻ đột nhập.
Trái ngược với vẻ ngoài buồn tẻ như vậy, mọi hoạt động bên trong của Northlake lại vô cùng náo nhiệt. Theo tiết lộ của chính Microsoft, hệ thống cáp quang mà họ sử dụng trong trung tâm này còn có dung lượng truyền tải dữ liệu lớn hơn toàn bộ hệ thống cáp của không ít quốc gia trên thế giới nhằm không để xảy ra tình trạng thiếu băng thông. Northlake có nhiệm vụ đảm bảo sự hoạt động liên tục và ổn định của hệ thống trò chơi trực tuyến trên hệ máy Xbox của hãng cũng như phụ trách “sự sống” của hệ thống thư điện tử Hotmail hay cỗ máy tìm kiếm Bing mà hãng vừa ra mắt hồi đầu tháng 6 vừa qua.
Chưa hết, Northlake còn phải chịu trách nhiệm phục vụ cho khoảng 250 khách hàng doanh nghiệp (hầu hết là những tập đoàn khổng lồ trên khắp thế giới), lưu trữ và xử lý dữ liệu cho các ứng dụng kinh doanh mà Microsoft cung cấp cho họ. Điều này đồng nghĩa với việc trung tâm dữ liệu này sẽ liên tục được bổ sung những ứng dụng mới cùng với đó là những sự thay đổi thiết kế liên tục nhằm tối đa hóa sức mạnh xử lý cũng như mức năng lượng tiêu thụ. Đây cũng chính là trung tâm dữ liệu đầu tiên trên thế giới được xây dựng với độ tùy biến và thay đổi cao đến như vậy.
"Nó gần như là một sinh vật sống, luôn luôn thay đổi khi môi trường bên ngoài thay đổi", Kevin Timmons, Tổng giám đốc phụ trách dịch vụ trung tâm dữ liệu của Microsoft tuyên bố, "Nó chính là một nhà máy cung cấp gần như toàn bộ những sản phẩm của Microsoft cho thế giới Internet".
Ở tầng 2 của tòa nhà, Microsoft bố trí 4 căn phòng lớn với diện tích 12.000 dặm vuông (1.120 m2) và chứa tới 24 hàng máy chủ mỗi phòng. Đây chính là hệ thống máy tính cố định chịu trách nhiệm cho những hoạt động cơ bản nhất của toàn bộ trung tâm này và tiêu tốn khoảng 10 megawatt điện năng.
Có một điều không thể không nói đến là hệ thống máy tính quản lý nguồn năng lượng cho toàn bộ trung tâm vẫn chạy trên hệ điều hành Windows XP đã bị chính Microsoft tuyên bố khai tử.
Tuy Northlake vẫn đang là trung tâm dữ liệu lớn nhất và hiện đại nhất nhưng Microsoft vẫn cho rằng nó cần phải được thay đổi nhiều hơn nữa để trở thành một trung tâm dữ liệu thế hệ mới – nơi nguồn điện cũng phải được phân thành các modul riêng rẽ giống như máy chủ và mỗi chiếc máy tính sẽ được quản lý trên một lớp riêng và hoạt động trên công nghệ ảo hóa. Ít ai biết rằng bên cạnh cuộc chiến về công nghệ giữa Microsoft và các đối thủ như Google, Apple hay Amazon… họ vẫn đang âm thầm tham gia một cuộc chiến khác mang tên cuộc chiến trung tâm dữ liệu.