Tại hội nghị triển khai kế hoạch 2007 của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, bên cạnh những kết quả khả quan về tốc độ phát triển chóng mặt của lượng thuê bao di động và ADSL hiện nay, ông Trần Mạnh Hùng - Ủy viên Hội đồng quản trị VNPT - Giám đốc Bưu điện Hà Nội đã trao đổi với VietNamNet về những nguy cơ và thách thức cản trợ sự phát triển các dịch vụ viễn thông mà VNPT đang phải đối mặt.
Một trong những nguy cơ được ông Trần Mạnh Hùng nêu rõ trong phát biểu của mình tại hội nghị là tốc độ phát triển thuê bao di động đang ''lấn át'' điện thoại cố định, tạo doanh thu và lợi nhuận cao hơn. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho một thuê bao cố định lại cao gấp 3-4 lần so với một thuê bao di động.
Các đơn vị doanh nghiệp thành viên VNPT do đó sẽ bị dồn vào thế đứng trước ngã ba đường: Tiếp tục phát triển mạng lưới thuê bao cố định tới vùng sâu vùng xa, đảm bảo nhiệm vụ công ích xã hội và chấp nhận lợi nhuận sụt giảm, hay tập trung phát triển thuê bao di động để tăng lãi suất và doanh thu?
Uỷ viên HĐQT Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Đ.H) |
Trăn trở với bài toán này, ông Hùng cho rằng, để ''cứu'' dịch vụ cố định, các doanh nghiệp không nên ''ăn xổi'', mà cần ''áp dụng công nghệ mới ngay từ đầu và phát triển mạng cố định theo nền tảng dịch vụ mạng băng rộng''... Sau đây là nội dung trao đổi sâu hơn về những nguy cơ này giữa VietNamNet và Giám đốc Bưu điện Hà Nội.
Phóng viên: - Với tốc độ phát triển ''chóng mặt'' của thuê bao điện thoại di động, xin ông cho biết mạng điện thoại cố định đang bị lép vế và đứng trước nguy cơ gì?
Ông Trần Mạnh Hùng: Nguy cơ lớn nhất đối với mạng điện thoại cố định là chuyển dịch doanh thu từ cố định sang di động. Năm 2006, đa số doanh thu của 1 thuê bao cố định giảm trong khi đó doanh thu của thuê bao di động tăng nhanh, doanh thu phụ thuộc rất lớn vào di động. Đây là một nguy cơ lớn của mạng lưới viễn thông VNPT trong năm 2007.
Năm 2007 và thời gian sắp tới, chủ trương lớn của tập đoàn là tập trung phát triển mạnh dịch vụ băng rộng ADSL. Tuy nhiên, VNPT vẫn phải phát triển mạng cố định phục vụ vùng sâu, vùng xa chi phí cao. Bên cạnh mục đích kinh doanh, VNPT với vai trò của doanh nghiệp chủ lực, luôn có nhiệm vụ phổ cập dịch vụ viễn thông trên mọi địa bàn của cả nước.
Vậy các doanh nghiệp thuộc VNPT nên tiếp tục phát triển mạng cố định bằng cách nào? Trong khi, chi phí cho 1 máy cố định hiện nay cao gấp 3, 4 lần cho 1 máy di động. Mặt khác, doanh thu 1 thuê bao cố định ở Hà Nội ngày càng giảm mức bình quân từ 150.000đ, sẽ giảm xuống 140.000, 130.000 đồng/tháng.
- Để đảm bảo hài hòa giữa hai hình thức kinh doanh và phục vụ công ích, Tập đoàn sẽ có những biện pháp gì, thưa ông?
Tôi thấy để phát triển mạng điện thoại cố định, nếu các doanh nghiệp thành viên VNPT chỉ nghĩ tới doanh thu và lợi nhuận trước mắt thì không thể làm được, dẫn đến ngã 3 đường là có nên tiếp tục phát triển dịch vụ ĐT cố định nữa hay không? Thế nhưng, về lâu dài, nếu phát triển mạng cố định theo hướng tạo sơ sở nền tảng để phát triển mạng băng rộng thì VNPT rất cần triển khai mạng cố định cả ở thành phố, và ở miền núi, vùng xa.
Động thái này ''một công đôi việc'' giúp VNPT vừa tăng doanh thu, vừa nhân đôi được hiệu quả của việc đầu tư, đồng thời phát triển được cả dịch vụ ĐT cố định (truyền thống) và các dịch vụ băng rộng (hiện đại).
Theo thống kê, hiện tại, trên thế giới, đã có 2,5 tỷ thuê bao điện thoại, trong đó thuê bao di động là 1,5 tỷ đã vượt qua con số thuê bao cố định. Tốc độ phát triển của dịch vụ thông tin di động mấy năm gần đây thường đạt tới 34-35%/năm, trong đó châu Á được coi là năng động nhất với gần 40%/năm.
Riêng ở Việt Nam, chỉ tính 3 năm trở lại đây, với 60-70%/năm, tốc độ phát triển của Việt Nam đã gấp đôi tốc độ phát triển chung của thế giới. Hiện, tỷ lệ thuê bao điện thoại của Việt Nam đã đạt 14%, trong đó điện thoại di động đạt tới 8%. Dự kiến, đến năm 2010, thuê bao di động của VNPT đạt 23 triệu máy chiếm 60% thị phần, thuê bao cố định đạt trên 12,6 triệu máy, dự báo đến 2010 sẽ đạt 40%, trong đó điện thoại di động đạt 25%.
Đồng thời, để phát triển mạng cố định hiệu quả, tôi cho rằng các doanh nghiệp, cũng như 64 tỉnh, thành trên cả nước nên áp dụng công nghệ mới ngay từ đầu. Vì nếu tiếp tục phát triển theo công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng khó thu hồi lợi nhuận. Do đó, các đơn vị nên triển khai sớm các dự án NGN nội hạt, và sử dụng cáp quang thay vì cáp đồng như hiện nay.
Hiện nay, tỷ lệ đầu tư cho mạng ngoại vi là cáp đồng chiếm tới 60-70%, trong khi đó, đầu tư cho chuyển mạch chỉ chiếm 30-40%. VNPT phải thay đổi cấu trúc mạng, cũng như triển khai mạnh mẽ cáp quang xuống xã, thậm chí đến thôn. Bán kính phục vụ của mỗi điểm nút chuyển mạch chỉ nên dưới 2km so với bán kính 5-6km như hiện nay. Với khoảng cách 5-6km thì không thể đảm bảo tín hiệu băng thông rộng được.
- Nhưng nếu tập trung phát triển mạng Internet băng rộng MegaVNN quá "nóng", liệu có gây ảnh hưởng tiêu cực không?
Đối với phát triển mạng băng rộng, vì số thuê bao ngày càng tăng mạnh, nên nguy cơ đối với dịch vụ này là chất lượng mạng lưới ngày càng suy giảm. Một thuê bao băng rộng ở HN thu được khoảng 250.000 đồng/tháng, gần gấp đôi doanh thu của 1 thuê bao cố định, nhưng doanh thu bình quân của dịch vụ này cũng sẽ giảm dần trong tương lai.
Hiện nay, bình quân 1 thuê bao MegaVNN trên địa bàn HN chiếm khoảng 20Kb/s băng thông đi quốc tế. Trong khi đó, các cổng Gateway phía Bắc của công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) chỉ đủ cho 70.000 thuê bao hoạt động trong đó, riêng HN đã có 54.000 thuê bao.
Vì vậy, chỉ trong tháng 1/2007, nếu VNPT không nhanh chóng đầu tư xây dựng mạng lưới, tăng cường băng thông thì việc phát triển thuê bao băng rộng không khả thi, chất lượng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Đây là vấn đề rất cấp bách tại thời điểm này, vì liên quan trực tiếp đến chất lượng dịch vụ. Với uy tín của mình, VNPT không thể để xảy ra tình trạng thiếu hàng bán cho khách, và hơn thế, nếu vì chưa đầu tư kịp thời, càng không được phép nôn nóng, bán hàng thiếu chất lượng ra thị trường!
- Bên cạnh chất lượng dịch vụ, trong năm tới, việc tổ chức hậu mãi và chăm sóc khách hàng, chất lượng phục vụ của giao dịch viên cũng là vấn đề VNPT phải chú trọng hơn để giữ khách, trước áp lực cạnh tranh ngày càng tăng. Với tư cách là giám đốc Bưu điện Hà Nội, ông có thể cho biết việc thực hiện công tác này đang triển khai ra sao?
Mặc dù chúng tôi đã có tổ chăm sóc, hỗ trợ khách hàng và chấm điểm chất lượng phục vụ riêng biệt, nhưng chưa đủ quyền lực để đáp ứng kịp thời và đủ linh hoạt với thị trường hiện nay. Tôi nghĩ cần có 1 tổ chức đủ quyền lực để quản lý việc cung cấp dịch vụ nhanh chóng, kịp thời cho khách hàng, đặc biệt để tạo môi trường đầu tư và tránh chi phí lớn.
Bưu điện HN đã có hệ thống chấm điểm bí mật cho 650 giao dịch viên hàng tháng với 23 tiêu chí, trong đó, có các tiêu chí đơn giản như khi khách hàng vào điểm giao dịch có cười với khách hàng không, có hướng tới khách hàng và sẵn sàng phục vụ không…Tỷ lệ đạt cao nhất là 83%, còn 17% số giao dịch viên vẫn không đạt. Với tỷ lệ 17% này, chắc chắn chúng tôi cần phải tập trung hơn nữa để nâng chất lượng chăm sóc khách hàng.
Đồng thời, chúng tôi đang nghiên cứu áp dụng thí điểm khoán trả lương theo sản phẩm tại các cửa hàng để tạo được động lực kinh tế, thúc đẩy đội ngũ giao dịch viên thay đổi tư duy với khách hàng, coi khách hàng là thượng đế...
Bưu điện các tỉnh thành đều có khả năng hạch toán độc lập, chủ động trong cơ chế chi trả lương, nên hoàn toàn có thể triển khai khoán theo sản phẩm phục vụ, tránh tình trạng giao dịch viên có tâm lý chủ quan, thiếu trách nhiệm, dẫn tới thái độ hách dịch, thiếu tôn trọng khách hàng. Đây cũng là một nguy cơ lớn, vì các doanh nghiệp viễn thông mới ra đời đều rất chú trọng tới chăm sóc khách hàng để cạnh tranh.
Khi Bưu điện HN áp dụng khoán trả lương theo sản phẩm, năng suất, chất lượng, và trách nhiệm với khách hàng đã tăng đáng kể. Phương thức kinh doanh cũng đã thay đổi, và chuyển sang mục đích phục vụ, tạo nên động lực để cạnh tranh, và hội nhập trong thời WTO.
- Xin cám ơn ông!
Hoàng Hùng (thực hiện)