Hacker nổi tiếng có tên gọi DVD Jon một lần nữa phá mã hệ thống nhạc trực tuyến của Apple và tung ra một công cụ cho phép người sử dụng khai thác các nội dung có công cụ quản lý bản quyền số DRM.
“Quả táo” đã phản ứng bằng cách yêu cầu tất cả khách hàng nâng cấp lên iTunes 4.7 (phiên bản này vá được lỗ hổng mà DVD Jon khai thác) trước khi tải bất cứ bài hát nào. Thế nhưng hiện nay DVD Jon và các “đồng sự” đã crack xong cả phiên bản mới và phát hành một phiên bản Linux của công cụ khai thác nội dung.
“Những hệ thống mã hóa kỹ thuật số này, giống như tất cả mọi kiểu bảo vệ khác, đều có thể bị xuyên thủng”, Ted Shadler, nhà phân tích của hãng khảo sát Forrester Research (Mỹ), nhận xét. “Vấn đề là những hành động như vậy có là mối đe dọa quá nghiêm trọng đối với các mô hình kinh doanh nhạc số hay không”.
Theo Shadler, thay vì nhắm vào việc tạo ra một hệ thống mã hóa bảo vệ không thể phá vỡ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tải nhạc vẫn đang tập trung nhiều vào việc thiết kế những hệ thống khó bắt chước và dễ nâng cấp. Ví dụ như với hệ thống FairPlay của iTunes, người sử dụng dịch vụ này phải dùng đúng phần mềm ở đây để tải bài hát. Do đó, khi cần Apple có thể update phần mềm khá nhanh chóng. Điều này khác với kiểu mã hóa trên đĩa DVD chạy bằng đầu đĩa mà người dùng chỉ mua một lần rồi sử dụng lâu dài. Một khi mã này đã bị phá thì chỉ khi có loại đầu đĩa mới xuất hiện thì đĩa mới có thể không dùng được nữa.
Theo Shadler, DRM là công nghệ cho phép chủ bản quyền kiểm soát việc truy nhập vào tài sản của mình và xây dựng một mô hình kinh doanh trên nội dung đó. Mục đích của DRM tất nhiên là ngăn ngừa nạn dùng lậu và đảm bảo khả năng kiếm lời trên nội dung cho tác giả. Để mô hình kinh doanh như vậy hoạt động, nhà cung cấp dịch vụ phải làm sao để người tiêu dùng cảm thấy việc sử dụng kênh hợp pháp tiện lợi hơn so với con đường bất hợp pháp. Đối với trường hợp iTunes, mỗi bài hát có giá chỉ 99 cent (Mỹ). Ngoài ra, việc tìm những bản nhạc tương tự ở chỗ khác trên Internet và tải về bằng phần mềm của bên thứ 3 là việc khó khăn nên đã hạn chế người ta đi theo cách bất hợp pháp.
“Cuộc chiến giữa hacker và các chủ sở hữu bản quyền số sẽ kéo dài bất tận”, chuyên gia Shadler nhận định. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh những dịch vụ như iTunes và Napster đang phát triển đến một mức độ khiến cuộc chiến này trong tương lai sẽ khác xa so với hiện tại.