Viện nghiên cứu ứng dụng của Học viện Fraunhofer Institute (Đức) cho hay đèn LED thông thường có thể được dùng để gửi và nhận dữ liệu giữa smartphone hay laptop với tốc độ lên đến 3 Gb/giây.
Ngày nay có những hệ thống mạng không dây dùng sóng radio và hệ thống mạng quang học dùng ánh sáng truyền qua các sợi thủy tinh rất nhỏ. Trong tương lai, nếu nghiên cứu của viện Fraunhofer Institute có thể đạt được kết quả như mong muốn thì kết hợp 2 hệ thống này lại người dùng có thể biến đèn LED trong phòng thành các thiết bị kết nối mạng.
Công nghệ truyền thông bằng ánh sáng VLC (visible light communications) của Fraunhofer có thể truyền dữ liệu đến laptop và smartphone từ đèn LED thông thường trong các thiết bị chiếu sáng. (Ảnh: Fraunhofer Institute).
Phòng nghiên cứu ứng dụng tại học viện của Đức này đã phát triển hệ thống kết nối mạng không dây dùng các đèn LED nhấp nháy thật nhanh để truyền dữ liệu qua không khí. Theo viện Fraunhofer, công nghệ này hiện có thể gửi dữ liệu với tốc độ lên đến 1 gigabit/giây, và bằng cách dùng 3 màu ánh sáng có thể nhân gấp 3 lần tốc độ truyền dữ liệu.
Công nghệ này sẽ hữu ích trong các môi trường đông người, thường bị nhiễu như các cuộc triển lãm thương mại, hay có thể dùng để gửi thông tin từ đèn đường đến xe cộ đang lưu thông.
Anagnostis Paraskevopoulos, nhà nghiên cứu trong nhóm mạng quang tử của viện cho biết, ông tin rằng các ứng dụng đầu tiên sẽ được thực hiện ở lĩnh vực chuyên môn như phòng hội nghị, quầy hội chợ thương mại, môi trường sản xuất công nghiệp và bệnh viện. Công nghệ này cũng có thể tích hợp vào đèn trong phòng hiện hữu với các đèn LED thông thường.
Tuy nhiên, người dùng nên cẩn thận vì đèn LED có thể dùng nhiều năng lượng của pin, do đó nên thực hiện truyền thông tầm thật ngắn bằng tia hồng ngoại. Một vấn đề khác là ánh sáng mặt trời quá chói sẽ làm các bộ nhận ánh sáng diot quang bị bão hòa quá mức, nên cách thức này sẽ không thể dùng được ngoài trời. Hiệu năng cũng sẽ bị giảm theo khoảng cách, khoảng 100 Mb/giây mỗi khoảng cách 20 mét.
Ngoài ra, truyền thông bằng ánh sáng yêu cầu phải truyền theo đường ngắm (line-of-sight), phương pháp này không thuận tiện bằng truyền thông bằng sóng radio có thể thực hiện mọi nơi trong phòng và xuyên được qua tường. Tuy nhiên, theo ông Paraskevopoulos, có thể sắp xếp phối hợp bố trí tất cả đèn LED trong phòng để ta có thể ngồi ở bất cứ vị trí nào trong phòng mà vẫn truyền nhận dữ liệu.
Một vấn đề nữa là không ai muốn laptop, smartphone của mình có đèn LED nhấp nháy liên tục trên thân máy gây mất tập trung. Trong trường hợp này, họ có thể dùng đèn LED hồng ngoại để phát ra ánh sáng mà mắt thường không thấy.