Chỉ cần nhìn vào kênh chat của bất kỳ game online nào, người chơi sẽ thường xuyên bắt gặp những lời văng tục, chửi bậy đủ kiểu...
Văn hoá xấu
Đa số là những lời văng tục, những câu chửi bậy đủ kiểu, nhắm vào những người chơi khác. Việc dùng những từ ngữ đó đã trở thành thói quen của rất nhiều game thủ, khiến cho những người khác đang chơi game rất bức xúc.
NguyenAnhfurture, sau khi chứng kiến việc đó đã lập hẳn một topic trên diễn đàn game thuộc vào hàng đông nhất nhì Việt Nam để phản ánh những bức xúc của mình: “Nếu ai đã từng chơi GO, ai đã từng vào kênh chat chung chắc đã chứng kiến nhiều những câu giao tiếp nghe xong chắc chỉ còn lắc đầu”.
Các nhà phát hành game đã rất cố gắng làm trong sạch môi trường game nhưng kết quả còn rất hạn chế |
Còn Lara Nguyễn Quốc Bảo, một game thủ nổi tiếng của làng eSport Việt Nam, đại diện cho Rapture Gaming, đơn vị tổ chức của WCG 2009 cũng cho rằng việc văng tục, chửi bậy này diễn ra cả khi game thủ Việt Nam chơi game online trên các server quốc tế. Nhà phát hành game Rohan đã phải ngăn chặn IP từ Việt Nam một thời gian ngắn khi game mở cửa và lý do được giải thích do gamer Việt Nam chửi bậy trên kênh chat nhiều quá làm cho các game thủ nước khác rất tức giận.
Văn hoá phải từ chính game thủ
Trong tháng 7/2008 và tháng 8/2009, câu lạc bộ nội dung số Việt Nam (VGB) mà thành viên là các nhà phát hành game đã liên tục tổ chức tháng hành động vì game online lành mạnh, nhằm tạo nên một môi trường văn hoá trong sạch cho game online. Mặc dù các nhà phát hành đã đưa ra hình phạt là khoá tài khoản tạm thời hay vĩnh viễn, thế nhưng hiệu quả đem lại không cao. Nguyên nhân được cho là do việc hưởng ứng của các nhà phát hành còn khá rời rạc, một số không dám làm mạnh tay vì sợ game thủ bỏ game của mình.
Biện pháp hữu hiệu nhất của các nhà phát hành game hiện nay là sử dụng bộ lọc từ trong game của mình và gần như 100% các game online ở Việt Nam đều áp dụng cách này. Thế nhưng, game thủ vẫn tìm cách lách ra được khỏi bộ lọc từ đó để văng tục, chửi bậy. Ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó Giám đốc VTC Game cho biết: Bộ lọc từ cũng không chặn được một cách tuyệt đối, vì game thủ nước mình “sáng tạo” ra nhiều cách diễn đạt quá, chặn dấu chấm thì họ dùng dấu phẩy, chặn từ theo dạng này thì họ viết theo dạng khác… vì thế nhà phát hành không có cách gì ngăn được hết, chỉ có thể làm với các dạng từ phổ biến.
Bên cạnh đó việc game thủ quá đông cũng khiến cho việc ngăn chặn của nhà phát hành gặp khó khăn. Ông Bùi Minh Phương, Giám đốc game Kiếm Thế, công ty VinaGame cũng cho biết: Việc ngăn chặn từ nhạy cảm trong Kiếm Thế được ưu tiên hàng đầu. Trong game này kênh thế giới có hạn chế việc phát ngôn tràn lan, ngoài ra có chức năng để game thủ tố cáo trực tiếp những người phát ngôn không hay, như người chơi chỉ cần click vào câu chat không hay đó rồi gửi lên cho hệ thống để nhà phát hành xử lý. Nhưng do đến ngày 19/09 CCU game đã lên tới 100.000 người, game thủ lại dùng đủ mọi ngôn từ nên mặc dù đã đưa bộ lọc vào game nhưng vẫn chưa hạn chế được triệt để.
Ông Đinh Đức Linh, phụ trách truyền thông của VDC – Net2E cho rằng thực tế việc dùng bộ lọc để hạn chế các phát ngôn không hay của game thủ cũng không hiệu quả lắm. Game thủ vẫn lách luật bằng cách dùng các ký hiệu, cũng như các dạng ngôn ngữ khác để phát ngôn.
Để xây dựng “văn hoá phát ngôn” trong game online, ngoài sự phối hợp giữa các nhà phát hành game với các cơ quan chức năng, cũng như game thủ xây dựng một nền văn hoá game lành mạnh thì bản thân các game thủ phải ý thức và xây dựng văn hoá của chính họ khi tham gia các game online. Đây không chỉ là vấn đề nội bộ của các game thủ mà còn là thể hiện văn hoá của người Việt trong hội nhập.