Ngay sau khi MPT ban hành mức cước thuê kênh các dịch vụ viễn thông của VNPT với mức giảm từ 10-40%, VDC đã lập thức công bố giảm cước Internet gián tiếp từ 10-15%. Tuy nhiên, dịch vụ Internet gián tiếp chưa phải là đích ngắm của các nhà cung cấp dịch vụ Internet trên thị trường, mà thay vào đó là dịch vụ Internet băng rộng (ADSL).
FPT được coi là doanh nghiệp nổ phát súng đầu tiên trên thị trường ADSL bằng việc tung ra gói cước MegaPlay từ 1/6/2005. Mặc dù, cước thuê bao của gói cước này được xem là thấp so với gói cước HomeC của Viettel 4.000 đồng/tháng (HomeC của Viettel là 54.000 đồng/tháng, gói MegaPlay của FPT là 50.000 đồng tháng), nhưng cước sử dụng tối đa của dịch vụ này cũng vẫn trên khoảng 700.000 đồng/tháng. Vì vậy, đây chỉ được xem là gói cước để người tiêu dùng có thể lựa chọn, chứ chưa hẳn cước phí đã phải là thấp nhất.
Việc giảm cước thuê kênh lần này, có thể nói là tác động lớn nhất đối với VNPT. Trước đó, dù FPT, Viettel thi nhau tung ra các gói cước với cước phí linh hoạt, thấp hơn mức giá trần 1 triệu đồng/tháng, thì VNPT/VDC, vẫn giữ nguyên mức cước, tối đa hết 1 triệu đồng trên tháng. Tuy nhiên, lần này, VNPT đã đồng loạt tung ra 4 gói cước mới áp dụng từ 1/7/2005 gồm: MegaVNN –Easy; MegaVNN –Family; MegaVNN – Extra và MegaVNN-Maxi. Trong đó, Gói MegaVNN – Easy có tốc độ tối đa 384Kbps/128Kbps, cước tối đa chỉ hết 400.000 đồng/tháng gồm cả cước thuê bao 28.000 đồng/tháng; Gói MegaVNN – Family, tốc độ tối đa 512Kbps/256Kbps, cước không vượt quá 600.000 đồng/tháng, gồm cả cước thuê bao 45.000 đồng/tháng. Gói MegaVNN – Extra, tốc độ tối đa 1Mbps/512Kbps, với mức cước tối đa 730.000 đồng/tháng, bao gồm cước thuê bao tháng 82.000 đồng/tháng. Gói MegaVNN-Maxi, tốc độ tối đa 2Mbps/640Kbps, với mức cước tối đa 908.000 đồng/tháng, bao gồm cước thuê bao tháng 172.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, việc điều chỉnh cước của VNPT còn khiến các doanh nghiệp khác như Viettel buộc lòng phải lùi thời điểm tung ra gói cước mới, dù doanh nghiệp này đã xây dựng trước đó, và dự kiến tung ra vào cuối tuần trước. Được biết, theo phương án cước mới, Viettel sẽ tung ra thêm 6 gói cước mới, nâng tổng số gói cước ADSL trên thị trường của nhà cung cấp dịch vụ này lên 7 gói. Tuy nhiên, ước tính cước mới của Viettel vẫn cao hơn cước ADSL của VNPT từ 5-10%. Theo lý giải của Viettel thì nhà cung cấp này sẽ không lao vào cuộc chiến về giá đối với dịch vụ ADSL mà doanh nghiệp này sẽ chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ cho người sử dụng.
Theo nhận xét của giới chuyên môn, chắc chắn đợt giảm cước của VNPT sẽ còn tác động đến các doanh nghiệp khác như SPT và Netnam, hai doanh nghiệp này cũng sẽ phải nhanh chóng điều chỉnh cước dịch vụ thì mới mong thu hút được người sử dụng. Việc giảm cước ADSL lần này cũng sẽ mở rộng phạm vi sử dụng Internet băng rộng, đặc biệt là dành cho các đối tượng hộ gia đình. Điều này cũng sẽ tạo tiền đề cho các dịch vụ ứng dụng trên Net phát triển, đặc biệt là dịch vụ game online. Tuy nhiên, bên cạnh việc điều chỉnh giá thành, các nhà cung cấp dịch vụ cũng nên chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dịch vu, nếu không, dù giá thành có hấp dẫn, mà chất lượng dịch vụ tệ, thì người tiêu dùng cũng sẽ bỏ họ mà đi.
Ông Đàm Đức Anh, Phó Giám đốc Trung Tâm Game Online, VASC cho biết: ‘’Việc giảm cước lần này báo hiệu một cuộc cách mạng về Internet băng thông rộng. Đây là khởi đầu cho sự bùng nổ số thuê bao ADSL bắt đầu từ nửa cuối năm nay. Điều này cũng là cơ hội cho dịch vụ game online phát triển. Đối với nhà cung cấp dịch vụ game trực tuyến, chi phí thuê kênh riêng (leased line) đôi khi chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng chi phí, thậm chí có thể chiếm tới 40-50% tổng chi phí đầu vào. Chính vì thế, việc giảm cước đường truyền hiện nay sẽ dần xoá bỏ đi một rào cản đối với các nhà cung cấp dịch vụ game online và khi đường truyền đã được đảm bảo cung cấp, chất lượng dịch vụ game cũng vì thế tăng lên. Như vậy, việc giảm cước đường truyền cũng giúp nhà cung cấp dịch vụ game giảm chi phí, vì thế chắc chắc họ sẽ phải điều chỉnh giá thành cho người chơi và hơn ai hết, người dùng sẽ được lợi thông qua việc điều chỉnh này’’.
Hiện có 4 nhà cung cấp dịch vụ ADSL trên thị trường gồm VNPT/VDC; FPT; Viettel, SPT và Netnam. |
Ngọc Lý