Thời gian gần đây, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) liên tục điều chỉnh giá cước, khuyến mãi rầm rộ hay ra những gói cước Internet cáp quang mới nhắm đến hộ gia đình thay vì chỉ dành cho doanh nghiệp như trước kia.
>>> Cú hích mới trên thị trường Internet ADSL
Bình dân hoá giá cước FTTx
Theo thông tin từ Viettel Telecom, từ ngày 01/06 đến ngày 31/07, đơn vị này áp dụng chương trình khuyến mãi mới dành cho khách hàng đăng ký mới sử dụng cáp quang FTTH, theo đó gói cước FTTH Office băng thông 32Mbps có phí hàng tháng ở mức 800.000 đồng. Với điều kiện chiều dài dây thuê bao nhỏ hơn 500m, mức giá gói cước FTTH Office giảm xuống còn 700.000 đồng và giá của gói cước Biz12 băng thông 12Mbps chỉ khoảng 500 nghìn đồng mỗi tháng.
Từ tháng 5/2011, VNPT cũng đã có sự điều chỉnh gói cước FTTH khi vẫn giữ nguyên giá cước nhưng nâng tốc độ truy nhập tối đa của dịch vụ FiberVNN lên đến 100Mbps, tốc độ tối thiểu từ 512Kbps lên đến 2Mbps tuỳ theo gói cước. Ngoài ra, gói cước thấp nhất của dịch vụ FiberVNN sẽ nằm trong khoảng 700.000 - 900.000 đồng/tháng.
Với các ISP khác như CMC TI hay FPT Telecom, mức giá gói cước FTTH hàng tháng vẫn ở ngưỡng trên dưới 1.000.000 đồng. Tuy nhiên, 2 doanh nghiệp này đã lần lượt giới thiệu dịch vụ cáp quang FTTB và VSDL có khả năng cung cấp tốc độ tải xuống lên đến 18 Mbps/tháng với mức giá 500.000 -750.000 đồng để hướng tới đối tượng khách hàng người dùng cá nhân bên cạnh gói cước FTTH chủ yếu dành cho doanh nghiệp.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực Internet, lẽ ra việc giảm giá FTTx sẽ phải đi theo lộ trình tuần tự giống với ADSL. Nhưng khi Công ty Cổ phần Hạ tầng Viễn Thông CMC (CMC TI) nhẩy vào thị trường FTTx đã buộc các “đại gia” phải hành động bằng cách điều chỉnh và rút ngắn quá trình giảm giá nhằm thu hút nhiều đối tượng khách hàng thay vì chỉ nhắm vào đối tượng khách hàng doanh nghiệp cao cấp. Ngoài ra, từng doanh nghiệp sẽ có chiến thuật giảm giá khác nhau phụ thuộc vào quy mô đầu tư.
Đối với CMC TI hay FPT Telecom, việc giới thiệu gói cáp quang FTTB hay VDSL nhằm mục đích tối ưu hoá chi phí và phân đoạn khách hàng như FTTH cho doanh nghiệp lớn, FTTH, VDSL “bình dân hoá” hướng đến doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình.
Mức giá FTTx hiện tại tương đối bình dân và sẽ thu hút không nhỏ lượng thuê bao từ ADSL cao cấp đang có giá 400.000-500.000 đồng/tháng chấp nhận tăng thêm một chút tiền để được hưởng tốc độ cao hơn hẳn. “Trong khoảng gần 2 năm nữa, ADSL sẽ rất ít được nhắc đến và dần bị thay thế ở các thành phố như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh", chuyên gia này cho biết thêm.
Có phải chạy đua giảm giá?
Ông Nguyễn Đức Thành, Tổng Giám đốc CMC TI cho biết, trong thị trường cạnh tranh, việc các nhà cung cấp điều chỉnh giá cước để thu hút khách hàng là chính sách khá phổ biến được áp dụng.
Mặc dù vậy, mọi chính sách giá đều phải dựa trên cơ sở chi phí, giá thành và chất lượng dịch vụ. Doanh nghiệp hiện đang dùng hình ảnh gói cước rẻ nhất (kèm theo các điều kiện nhất định) để làm điểm nhấn cho chính sách của mình. Ở một số nước phát triển, để so sánh các gói cước, người ta xây dựng khái niệm chi phí trên 1 Mbps băng thông.
“Nhìn bức tranh tổng thể, các doanh nghiệp hiện đang đưa ra các gói cước tối ưu hơn cho khách hàng trên cơ sở giá cước hợp lý mà chưa có sự chạy đua về giá thành”, ông Thành kết luận.
Theo đại diện của Viettel Telecom và VDC, lý do khiến giảm mức giá xuống dưới 900.000 đồng/tháng là do việc dùng chung cơ sở hạ tầng với các đơn vị khác trong Tập đoàn dẫn đến chi phí đầu tư giảm đáng kể. “Qui mô sản xuất lớn cũng khiến cho giá thành đầu vào trên đơn vị sản phẩm giảm”, đại diện VDC khẳng định nguyên nhân có sự điều chỉnh giá của VDC/VNPT.
Cùng quan điểm, ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần NetNam cho rằng, sở dĩ mức giá FTTH của 2 doanh nghiệp lớn Viettel và VDC/VNPT thấp hơn bởi vì họ có lợi thế về quy mô và độ bao phủ. “Từ nay đến giữa năm 2012, mức giá FTTx có thể sẽ giữ nguyên chứ không thể tiếp tục giảm hơn được nữa vì cần độ phủ khách hàng lớn hơn và khấu hao thiết bị”, ông Bình nhấn mạnh.
Ông Thành cho rằng, năm 2011 xu hướng chuyển dịch từ các dịch vụ sử dụng hạ tầng cáp đồng, băng thông hạn chế sang các dịch vụ trên hạ tầng quang băng thông rộng sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn các năm trước để phù hợp xu hướng chung của thế giới.
Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì chính sách cước linh hoạt cho các khách hàng của mình nhưng việc giảm chi tiêu công cũng sẽ là rào cản một số tổ chức, doanh nghiệp nhà nước chuyển dịch, nâng cấp dịch vụ.
“CMC TI sẽ đưa ra một loạt các gói cước kèm theo dịch vụ hấp dẫn ra thị trường cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau để làm gia tăng hiệu quả sử dụng đường truyền Internet”, ông Thành khẳng định.
Đại diện của VDC cho biết, thời gian tới, bản thân VDC/VNPT cũng như các doanh nghiệp thay vì chủ trương giảm giá thì sẽ chú trọng hơn đến việc phát triển dịch vụ giá trị gia tăng trên nền FTTx đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Theo ông Bình, nếu cứ tiếp tục chú trọng giảm giá, người thiệt thòi nhất sẽ chính là người sử dụng bởi vì khi đó, các doanh nghiệp viễn thông sẽ phải bù chéo từ mảng khác sang hoặc không có tiền để giữ được chất lượng dịch vụ ở mức cơ bản. Chính vì thế, bên cạnh việc giữ nguyên giá, chú trọng phát triển dịch vụ đi kèm là điều bắt buộc đối với các ISP để tận dụng băng thông lớn của FTTx.