Công cụ AI này có thể biến những bức ảnh bị mờ thành "full HD không che"

Ảnh bị mờ, dù là do vô tình hay cố ý đều mang đến những sự khó chịu nhất định cho người xem. Một nhóm 5 chuyên gia máy tính đến từ Đại học Duke (Mỹ) dường như cũng có chung suy nghĩ này, và họ đã quyết định tạo ra một công cụ chỉnh sửa ảnh dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) với tên gọi PULSE (Photo Upsampling via Latent Space Exploration), có thể biến những bức ảnh chân dung (mặt người) bị mờ trở thành những tấm ảnh mới ở độ phân giải HD tương đối chính xác.

Công cụ chỉnh sửa ảnh dựa trên AI này, về cơ bản, có thể được coi là một thuật toán siêu phân giải, hoạt động bằng cách tạo lập, phân tích và chọn lọc các chi tiết ảnh ở cấp độ từng pixel cho đến khi tìm thấy những bức hình ảnh với những chi tiết trông giống nhất với hình ảnh đầu vào khi được nén với cùng kích thước.

Các bức ảnh này được tạo ra bằng cách sử dụng hệ thống mạng đối nghịch tổng quát (GAN). Nếu bạn chưa biết thì GAN là hệ thống AI gồm 2 phần riêng biệt: Thứ nhất là Generative network (mạng sinh), giúp tạo ra các mẫu đào tạo (data giả), với mục tiêu làm sao tạo ra được những dữ liệu đào tạo giống thật nhất. Và thứ hai là Discriminative network (mạng phân biệt): có nhiệm vụ cố gắng phân biệt giữa dữ liệu thật và dữ liệu giả mạo. Các hệ thống GAN đã từng được áp dụng trong nhiều tác vụ chuyên sâu như chuyển đổi chú thích thành các câu chuyện theo từng bối cảnh, đặc biệt là tạo ra những bức ảnh nhân tạo với độ chân thực cực cao.

So sánh giữa PULSE và các phương pháp khác
So sánh giữa PULSE và các phương pháp khác

Trong trường hợp này, mạng sinh có nhiệm vụ tạo ra các bức ảnh sao cho có nhiều điểm đặc điểm tương đồng với ảnh gốc. Đồng thời, mạng phân biệt sẽ đảm nhận khâu phân tích, đánh giá xem bức ảnh nào có độ tương đồng cao nhất với ảnh gốc.

Nhóm nghiên cứu cho biết công cụ AI này có thể biến số lượng nhỏ pixel thành khuôn mặt thực tế với độ phân giải lên tới 64 lần. Thậm chí nó còn có thể “tưởng tượng” ra những chi tiết nhỏ vốn không thể nhận ra được trong bản gốc như nếp nhăn, lông mi và râu… với độ chính xác đáng kinh ngạc.

Hiện tại, mô hình PULSE mới chỉ được sử dụng để phân tích ảnh chân dung con người. Tuy nhiên trong tương lai, khi đã được hoạt thiện và bổ sung thêm dữ liệu đào tạo, thuật toán siêu phân giải này có tiềm năng ứng dụng rất lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tìm hiểu thêm về PULSE tại: pulse.cs.duke.edu

Thứ Hai, 15/06/2020 09:19
51 👨 7.170
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Công nghệ mới