Truyền hình số mặt đất được đánh giá là có lợi thế phát triển bởi các nhà cung cấp dịch vụ thu một lần thông qua việc bán đầu thu kỹ thuật số.
Tiên phong trong dịch vụ này phải kể đến Cty Đầu tư phát triển công nghệ truyền hình (VTC) với việc thử nghiệm truyền hình số mặt đất từ 12/2000. Do các máy thu hình ở Việt Nam sử dụng công nghệ analog nên VTC đã nghiên cứu thiết kế bộ chuyển đổi (settop box) chuyển đổi tín hiệu từ số sang analog để hỗ trợ người xem thu được các chương trình truyền hình số do Cty cung cấp.
Giá đầu thu vào thời điểm ban đầu là 3,3 triệu đồng/chiếc đến nay chỉ giảm còn 2,2 triệu đồng/chiếc và dịch vụ này đã được VTC triển khai tại 30 địa phương trong cả nước.
Trên thị trường, hiện nay ngoài VTC còn có 2 đơn vị khác là Cty Điện tử công nghiệp (CDC - thuộc Tổng Cty Điện tử Tin học Việt Nam) và Cty Điện tử Hà Nội (Hanel) cùng được phép nhập khẩu, sản xuất đầu thu kỹ thuật số mặt đất. Tuy nhiên, khác với VTC là vừa phát sóng vừa sản xuất đầu thu, 2 đơn vị này đều không có hệ thống truyền dẫn phát sóng mà chỉ sản xuất đầu thu.
Cty Điện tử công nghiệp (CDC) mà trực tiếp là Trung tâm ứng dụng công nghệ điện tử viễn thông - đơn vị phân phối đầu thu kỹ thuật số hiệu Humax của Hàn Quốc.
Loại sản phẩm này có tính năng tương tự như đầu thu của VTC có thể thu các chương trình truyền hình đại chúng như VTV1, VTV2, VTV3, VTV4, VTV5.... nhưng nhờ có một phần mềm tự động giải mã các kênh truyền hình số nên người tiêu dùng có thể dùng đầu thu Humax nhưng vẫn xem được các kênh truyền hình của VTC.
Giá của Humax dao động từ 2 - 2,4 triệu/đồng sản phẩm tùy loại và thường thấp hơn các đầu thu của VTC từ 50.000 - 100.000 đồng. Bởi CDC chỉ là đơn vị nhập khẩu và phân phối đầu thu không có mạng truyền dẫn và phát sóng nên người dùng đầu thu Humax có thể gặp phải sự cố khi VTC thay đổi về công nghệ hay tần số phát.
Thực tế này đã xảy ra rất nhiều lần với người sử dụng đầu thu Humax vì ở mỗi địa phương VTC thường phát một tần số khác nhau và thường xuyên thay đổi tần số phát. Một người dùng có nickname trên forum của humaxvietnam.com là sansui phản ánh, tại Hạ Long (Quảng Ninh) đầu thu Humax F1 - 40001 chỉ thu được có 6 kênh dù CDC quảng cáo là thu được đến 16 kênh.
Trong khi đó nhiều người sử dụng đầu thu Humax khác ở TPHCM phải đến tận các cửa hàng của CDC để được cài đặt lại bộ giải mã và mất thêm từ 100.000 - 200.000 đồng/lần. Để hỗ trợ khách hàng, CDC đã cung cấp phần mềm được update tại trang web humaxvietnam.com, nhưng thường thì cũng phải mất từ 2 - 3 ngày.
Thực tế này cũng giống như tình cảnh của nhiều người đang dùng chảo lậu của Trung Quốc phải thường xuyên mua các thẻ giải mã, hoặc vào mạng download các serial key mới có thể xem tiếp được các kênh truyền hình do vệ tinh của Philippines cung cấp khi các nhà cung cấp dịch vụ Philippines thay đổi mã khoá. Và nếu khi VTC tăng mức độ bảo mật các kênh truyền hình của mình thì khả năng không sử dụng được các đầu thu KTS Humax là rất cao.
Ông Vũ Mạnh Chu - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả VHNT (Bộ Văn hoá - Thông tin): “Bản quyền chương trình truyền hình thuộc về nhà đầu tư sản xuất nội dung. Đơn vị nào thu lại, phát lại phải được sự đồng ý của nhà sản xuất chương trình đó. Nếu thu lại, phát lại mà chưa được sự đồng ý của nhà sản xuất nội dung là vi phạm pháp luật. Việc bán các thiết bị thu phải tuân thủ theo quy định của Chính phủ về quản lý các thiết bị TVRO”. M.Q ghi |
Đối với đầu thu của Hanel, do sản xuất trong nước, không có được phần mềm thông minh như của Humax nên đầu thu của Hanel chỉ thu được các kênh quảng bá của các đài truyền hình như VTV1, VTV2, VTV3.... còn các kênh truyền hình có thu tiền kiểu như VTC1, VTC2 thì đầu thu của Hanel không thể thu được.
Do vậy dù công suất có thể sản xuất đến 20.000 đầu/tháng nhưng Hanel cũng mới chỉ bán được khoảng 1000 đầu/tháng và chủ yếu cho các vùng sâu, vùng xa để bắt các kênh truyền hình quảng bá và với giá khoảng 1 triệu đồng.
Theo nhiều người việc CDC bán các sản phẩm đầu thu KTS Humax là hoàn toàn hợp pháp vì thiết bị này được các cơ quan quản lý cho phép nhập khẩu, nhưng việc CDC cung cấp phần mềm giải mã các chương trình truyền hình trả tiền là xâm phạm quyền lợi của các đơn vị đang sở hữu các kênh truyền hình đó.
Trên trang web humaxvietnam.com tại mục diễn đàn khi nhiều thành viên của humaxvietnam có ý kiến về việc Humax không đầu tư hệ thống truyền dẫn và phát sóng mà chỉ bán đầu thu thì nếu VTC hay các đài truyền hình Bình Dương và TP.HCM thay đổi thì đầu Humax có vứt đi hay không. Những quản trị mạng của mạng này như vucdc hay billydragon đã khẳng định “thẻ còn bẻ được nữa là đầu thu” và rằng “miễn là đài họ phát thì Humax xem được”. Họ còn tự hào “hiện chưa có sản phẩm nhãn hiệu thứ 3 nào có thể qua được tất cả các hệ mã khoá của VTC và cùng tồn tại và phát triển theo cách gọi: ăn theo thị trường”.
Việc kinh doanh như trên của CDC cần được các cơ quan chức năng xem xét vì có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, còn người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng bởi sẽ bị “hố” khi sử dụng đầu Humax vì bỏ ra 2 triệu đồng mà chỉ dùng nó như một chiếc antena mà thôi.