iPhone 4 vừa được bán tại VN mấy ngày nay. Nếu để ý sẽ thấy, có hai mức giá bán khác nhau: Giá dành cho máy bị khóa mạng và giá dành cho máy không bị khóa mạng.
Không nên mua điện thoại bị bẻ khóa vì chất lượng sử dụng không đảm bảo. (Ảnh có tính minh họa)
Máy bị khóa mạng là máy chỉ dùng được với một mạng di động nhất định, còn máy phiên bản không khóa mạng (quen gọi là phiên bản quốc tế), có thể dùng với bất kỳ mạng nào mà băng tần của máy hỗ trợ.
Tại sao điện thoại bị khóa?
Ở đa số các nước phát triển, hầu hết điện thoại là do các mạng di động bán ra. Vì thế người dùng phải sử dụng mạng đó, bù lại mức giá ban đầu phải trả là rất rẻ, có máy như cho không. Các máy được bán ra như vậy đều bị khóa để người dùng chỉ có thể dùng với mạng đó mà thôi.
Ví dụ tại Mỹ, iPhone trước đó chỉ bán cho người dùng mạng AT&T, nghĩa là người dùng bất kỳ mạng nào trên thế giới cũng không dùng được iPhone ngoại trừ người đó hòa mạng AT&T. Vì thế mới sinh ra việc bẻ khóa điện thoại để có thể dùng được với mọi mạng di động khác nhau. Không chỉ ở VN mà nhiều nơi trên thế giới đều có "nghề" bẻ khóa này. Việc bẻ khóa là hợp pháp ở nhiều nơi. Hiện nay, tại Mỹ, chính phủ đã cho mọi người quyền được bẻ khóa iPhone.
Nhiều chiếc điện thoại mang từ nước ngoài về VN hiện nay đa số phải bẻ khóa mới dùng được. Việc bẻ khóa là hiển nhiên trong nhiều trường hợp, vì nếu không bẻ khóa thì chiếc điện thoại sẽ không còn là điện thoại vì không có khả năng nghe gọi. Vậy có mấy cách bẻ khóa và bẻ khóa thế nào cho an toàn?
Bẻ khóa sao cho an toàn?
Có hai cách bẻ khóa chính là "cứng" và "mềm". "Cứng" là người thợ sẽ can thiệp bằng cách thay chíp, hàn, nối dây… trên bo mạch điện thoại. "Mềm" là phương pháp dùng phần mềm can thiệp để máy hoạt động, người thợ không can thiệp đến phần cứng của máy. Cách bẻ khóa "mềm" luôn được người dùng chọn lựa vì tính an toàn của nó.
Trước đây, khi chiếc iPhone lần đầu được bán ra trên thế giới thì việc bẻ khóa nó là bài toán khó giải. Và VN là một trong những nước sớm nhất có phương pháp bẻ khóa iPhone. Để bẻ khóa, người ta phải cạy vỏ iPhone ra, sau đó can thiệp vào chíp máy rồi mới bẻ khóa được. Đó là bẻ khóa "cứng". Thời đó, nhiều người sẵn sàng đưa máy để thợ bẻ khóa, nhưng cũng không ít người sẵn sàng chờ đến vài tháng sau để có giải pháp bẻ khóa "mềm", không can thiệp vào máy để máy ổn định hơn và không phải cạy vỏ có khi làm trầy máy.
Việc bẻ khóa "cứng" thứ hai nữa là dùng SIM ghép. Cách này dùng nhiều nhất đối với các điện thoại mang từ Nhật về. Để bẻ khóa, người ta cắt một SIM của mạng di động VN gắn vào một đế SIM đặc biệt, "đánh lừa" điện thoại để có thể sử dụng cho SIM mạng VN kia. Cách này hiện vẫn áp dụng trên hầu hết điện thoại từ Nhật, nhưng việc bẻ khóa này khiến mạng chập chờn và là một nguyên nhân khiến điện thoại Nhật không thực sự phổ biến tại VN dù các mẫu máy rất đẹp.
Khi bán ra một chiếc máy khóa mạng ở nước ngoài, mạng di động thường bắt người dùng cam kết phải dùng mạng đó khoảng 2 năm. Sau hai năm hết hợp đồng người dùng có thể dùng máy đó cho mạng khác. Sau 2 năm như thế, hoặc vì lý do nào đó muốn hủy hợp đồng, mạng di động sẽ cấp một mã số cho người sử dụng. Người sử dụng nhập mã số (code) vào máy và máy sẽ hết bị khóa. Đây là cách mà giới cửa hàng vẫn gọi là bẻ khóa bằng code, là cách bẻ khóa an toàn nhất, được khuyên dùng nhất.
Hiện nay, ngoài các bản khóa mạng, điện thoại còn được bán ra dưới dạng phiên bản quốc tế, tức mạng nào trên thế giới cũng dùng được. Cũng vì vậy mà điện thoại bản quốc tế hay được bẻ khóa bằng code bao giờ cũng đắt hơn các máy bẻ khóa bằng phương pháp khác.
Vì vậy khi chọn mua điện thoại, để bảo đảm, bạn nên chọn mua máy bản quốc tế, hoặc được bẻ khóa bằng code. Cách bẻ khóa "cứng" chỉ nên chọn khi không còn cách nào khác.