Google vừa làm ngỡ ngàng giới công nghệ với việc cho ra mắt phiên bản trình duyệt web đầu tiên của họ - Chrome.
Trình duyệt web thế hệ mới?
Chrome của Google có giao diện khá lạ so với các trình duyệt hiện có. Với một phong cách tương tự như công cụ tìm kiếm của mình, Google đã đem sự đơn giản, tiện dụng và dễ sử dụng vào trình duyệt Chrome.
Đầu tiên là việc đưa vị trí của các thanh tab lên đầu tiên và đẩy thanh địa chỉ xuống dưới. Tiếp đến toàn bộ không gian cho thanh menu như thường thấy ở nhiều phần mềm đã được giải phóng, việc chỉnh sửa các thông số sẽ được thực hiện thông qua hai nút config, cùng hàng với thanh địa chỉ. Có thể nói với việc "cắt tỉa" và sắp xếp lại những thanh công cụ, Google muốn dành tối da diện tích màn hình cho việc hiển thị nội dung trang web.
Một điểm dễ nhận thấy của Chrome là việc nó không còn thanh công cụ tìm kiếm mà các trình duyệt khác vẫn tích hợp ngay phía bên phải thanh địa chỉ. Lý do là Chrome đã được đưa chức năng tìm kiếm vào thanh công cụ của nó.
Trên giao diện của Google Chrome, diện tích hiển thị được ưu tiên cho nội dung trang web. |
Chrome ứng dụng kỹ thuật kiến trúc đa xử lý (multiprocess architecture) khiến việc truy cập các nhiều trang web, cũng như chạy các ứng dụng trên các trang web, không còn dẫn tới việc "đầy ứ" bộ nhớ như ở các trình duyệt khác, mà đặc biệt là Firefox. Đồng thời cũng chính kỹ thuật này khiến cho việc tải những trang web có dung lượng lớn sẽ được Chrome thực hiện nhanh hơn.
Đánh giá về tốc độ của Chrome, trên trang TechCrunch, chuyên gian Don Reisinger cho rằng đây là một trong những trình duyệt nhanh nhất mà ông từng sử dụng.
Tính bảo mật những thông tin của người dùng cũng được Google "để ý" rất kỹ. Chrome cung cấp một chế độ duyệt web, theo đó những thông tin cá nhân của người sử dụng sẽ không được lưu lại khi duyệt web. Đối với một thương hiệu đã từng gặp những vấn đề liên quan thông tin người dùng như Google (ở dịch vụ Gmail) thì đây có lẽ là một sự trấn an lớn đối với người sử dụng.
Mặc dù vậy, Chrome cũng xuất hiện vài nhược điểm.
Đầu tiên, mặc dù đây là một trình duyệt mã nguồn mở nhưng Chrome không có thêm những tính năng có thể tạo nên sự khác biệt như công cụ cài đặt tiện ích, như add-ons của Firefox hay add-ins của Internet Explorer. Việc đồng bộ hóa dữ liệu cũng như các thiết lập đối với những máy tính khác nhau của người sử dụng cũng không thể thực hiện được trên Chrome. Cuối cùng, việc truy cập đến những địa chỉ có chứa nhiều tệp flash có thể sẽ khiến Chrome bị "khựng lại" và chạy với tốc độ rất chậm.
Canh bạc của Google?
Việc cho ra đời Chrome được xem là một bước quan trọng trong kế hoạch phát triển những dịch vụ trên nền Internet của Google. Trước đó, thương hiệu tìm kiếm này đã tạo được những ấn tượng rất tốt với các sản phẩm như Gmail hay Google Docs (gồm những phần mềm văn phòng tương tự như Microsoft Office). Những dịch vụ này mặc dù đã có mặt trong nhiều năm nhưng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm của Google.
Với thế mạnh của thương hiệu tìm kiếm đang chiếm thế thượng phong trên Internet, Google có lẽ đang muốn tiến nhanh hơn tới thời điểm mà mọi ứng dụng phổ biến sẽ chạy trực tiếp trên Internet. Trên thực tế thì xu hướng này đang ngày càng hiện ra một cách rõ ràng. Giờ đây việc sử dụng dùng trình duyệt để xem phim, nghe nhạc, hay soạn thảo văn bản... đã không còn xa lạ, nếu không nói là phổ biến đối với nhiều người.
Với việc phát triển cho riêng mình một trình duyệt, Google sẽ độc lập hơn trong việc phát triển các ứng dụng của mình thay vì việc phải trông đợi vào các trình duyệt của Microsoft, Mozilla hay Apple. Bây giờ thì "tự tay" Google có thể tích hợp sâu hơn nữa những ứng dụng hiện có của họ vào trình duyệt của mình. Chưa kể, Chrome còn được ra đời với tham vọng tấn công rộng hơn sang thị trường điện thoại di động, thị trường được đánh giá là trung tâm của kỹ thuật số trong tương lai.
Mặc dù vậy, nhiều người vẫn nghi ngại về khả năng thành công của Chrome. Trước tiên là việc tham gia thị trường có phần hơi muộn của Google, khi hiện nay trình duyệt có thị phần lớn nhất là Microsoft Internet Explorer đã có phiên bản thứ 8; Opera, một trình duyệt có tiếng khác cũng đã có phiên bản thứ 9, ngoài ra Firefox và Safari cũng đã phát triển tới thế hệ thứ 3. Để thấy được sự khó khăn của việc "sinh sau đẻ muộn", có thể lấy Firefox làm ví dụ, trình duyệt "cáo lửa" này mặc dù được giới chuyên môn đánh giá rất cao so với IE, nhưng hiện nay cũng chỉ mới có được gần 19% so với hơn 72% của IE.
Một vấn đề mà nhiều chuyên gia nghi ngại nữa là dường như Google đang đầu tư vào "hơi" nhiều dự án độc lập. Chỉ trong vài tháng gần đây, Google đã triển khai dự án dịch vụ Google Health cho các khách hàng khám bệnh trực tuyến. Sau đó là dự án xây dựng hệ điều hành Android dành cho điện thoại di động. Và giờ đây là trình duyệt Chrome cho máy tính cá nhân. Việc phân tán vào nhiều lĩnh vực khiến nhiều chuyên gia lo ngại Google khó đạt được hiệu quả như mong muốn.
Chính những lo ngại này đã khiến đâu đó xuất hiện liên tưởng việc cho ra đời Chrome của Google trong thời điểm này chẳng khác nào chơi một canh bạc. Tuy nhiên, khi Google vẫn đang là thương hiệu lớn nhất hiện nay trên Internet, còn quá sớm để có bất cứ kết luận gì về tương lai của Chrome.