Đây là thông tin vừa được công bố tại hội thảo “Liên kết cơ hội số” trong khuôn khổ phiên họp Hội đồng Châu Á Thái Bình Dương về Thuận lợi hóa thương mại và kinh doanh điện tử (AFACT) lần thứ 23.
Thương mại điện tử đang trở thành nhu cầu phát triển và điều kiện để Việt Nam hội nhập với thế giới. |
Kết quả điều tra của Bộ Thương Mại từ 230 doanh nghiệp có website cho thấy: 90% website này mới chỉ dừng ở mức giới thiệu DN và sản phẩm; trên 40% có cung cấp thông tin về giá cả sản phẩm, cho phép liên hệ đặt hàng. Trong khi đó, số website cho phép thanh toán trực tuyến bằng thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản chỉ chiếm hơn 10%.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng cho phát triển TMĐT. Với tốc độ tăng trưởng mật độ người sử dụng Internet là 123,4% (cao nhất trong khu vực ASEAN +3), Việt Nam đạt 1,9 triệu thuê bao Internet và gần 5,9 triệu người sử dụng trong năm 2004. Đây là tiền đề tốt cho sự phát triển TMĐT.
Theo dự báo về mức tăng trưởng thị trường CNTT Việt Nam của IDG, trong giai đoạn từ 2004 – 2008, mức chi tiêu cho CNTT của Việt Nam nằm trong tốp 10 nước tăng trưởng hàng đầu thế giới và sẽ vượt qua Trung Quốc với tỷ lệ tăng trưởng đạt 16%. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia rất nhanh nhạy với mô hình kinh doanh trên mạng. Tuy nhiên, trong xu hướng hội nhập toàn cầu, việc đơn giản hóa các thủ tục thương mại quốc tế vốn rất phức tạp là cần thiết.
Đồng thời, hiện tại, trên thế giới, xu hướng TMĐT B2B chiếm ưu thế vượt trội so với B2C trong lựa chọn chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hầu hết các Website này chưa có định hướng hoạt động rõ ràng, nguồn nhân lực hạn chế, vốn kinh doanh nhỏ nên chủ yếu mới dừng lại ở giai đoạn thiết lập và thử nghiệm.
- Hoàng Hùng