Vào tháng 1 năm 2016, Apple đã giới thiệu một tính năng tùy chọn mới trên iOS có tên Night Shift và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người dùng. Đây về cơ bản là tính năng giúp làm giảm cường độ ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại/máy tính bảng iOS, qua đó hạn chế tác động tiêu cực cho đôi mắt khi bạn buộc phải sử dụng thiết bị ở điều kiện thiếu sáng trong thời gian dài. Sau sự thành công của Night Shift, rất nhiều nhà sản xuất Android cũng đã giới thiệu tính năng tương tự trên sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được thực hiện gần đây của các nhà khoa học đến từ Đại học Manchester (Anh Quốc) đã chỉ ra rằng các tính năng như Night Shift, trên thực tế, có thể gây hại nhiều hơn là đem đến những lợi ích thực sự.
Kết luận trên được các nhà khoa học đưa ra dựa trên kết quả nghiên cứu với loài chuột với logic rất đơn giản: Chúng ta tiếp xúc nhiều với ánh sáng màu vàng vào ban ngày (ánh sáng mặt trời), loại ánh sáng này đóng vai trò chủ đạo trong khoảng thời gian mặt trời còn hiện diện, lấn át các loại ánh sáng khác. Khi mặt trời dần tắt (hoàng hôn) ánh sáng lại có xu hướng chuyển sang màu xanh lam. Do đó, cơ thể chúng ta có nhiều khả năng tiếp xúc với ánh sáng màu xanh lam trong khoảng thời gian buổi tối và trước khi đi ngủ.
Thực nghiệm tác động của ánh sáng vàng và xanh lam trên chuột, nhóm nghiên cứu nhận thấy ở cùng một cường độ, ánh sáng xanh lam tạo ra tác động yếu hơn đối với nhịp sinh học của chuột (ít tiêu cực hơn). Điều này cho thấy rằng chúng ta đáng ra nên làm ngược lại với những gì mà Night Shift đang áp dụng.
“Sử dụng ánh sáng mờ, mát hơn vào buổi tối và ánh sáng ấm hơn vào ban ngày có thể mang lại lợi ích rõ rệt hơn", tiến sĩ Tim Brown, người đứng đầu nhóm nghiên cứu nhận định.
Như vậy, mức độ, cường độ ánh sáng mới là yếu tố đáng quan tâm hơn thay vì màu sắc. Tất nhiên vẫn có những điểm khác biệt nhỏ giữa cơ chế tác động của ánh sáng đối với cơ thể người và chuột, nhưng nghiên cứu của Đại học Manchester đã đặt ra câu hỏi: Liệu Night Shift và các tính năng tương tự có thực sự đem lại hiệu quả như quảng cáo?