Tạp chí Fortune đã tôn vinh vị Tổng Giám đốc của hãng bán lẻ trực tuyến khổng lồ là người sở hữu những phương pháp kinh doanh khác người nhưng xuất chúng.
Jeff Bezos cũng nhận được danh hiệu “Doanh nhân của năm 2012” do Fortune bình chọn, bất chấp việc ông đã điều hành Amazon thua lỗ trong hai quý liên tiếp gần nhất. Phố Wall cũng tỏ ra nghi ngại khi Bezos chi quá mạnh tay cho các nhà kho và nhân viên mới trước thềm mùa mua sắm cuối năm, cũng như đầu tư mạnh bạo cho công việc kinh doanh tại các thị trường quốc tế.
Đúng ra, những khoản chi này cũng không đáng nói nếu như lợi nhuận của Amazon vẫn cao ngất ngưởng như xưa. Chỉ có điều là sau nhiều năm thịnh vượng, Amazon đã có 6 tháng liền thua lỗ. Cụ thể, Quý III/2012 hãng thua lỗ tới 274 triệu USD, so với mức lãi ròng 63 triệu USD của cùng kỳ năm 2011.
Bezos luôn trấn an giới đầu tư rằng ông chỉ quan tâm tới bức tranh dài hạn, kể cả có phải hy sinh lợi nhuận trước mắt đi nữa. Lý do này được Fortune đồng tình nên không những không chôn vùi Bezos bằng ngôn từ mà Tạp chí này còn khen ngợi và tôn vinh ông.
Trước hết, Bezos được khen vì đã làm thay đổi ngành công nghiệp sách và hất cẳng các hãng bán hàng điện tử khác. Phát triển rất xa khỏi gốc rễ bán sách của mình, Amazon đã thẳng tiến vào nhiều lĩnh vực khác như bán lẻ thời trang, làm phim và sản xuất máy tính bảng.
Chắc chắn, Bezos có cách tiến hành kinh doanh hết sức độc đáo của riêng mình. Dù cho Amazon là điểm đến của hầu hết độc giả sách điện tử thì vị CEO này vẫn chuộng văn viết. Mỗi cuộc họp với các quan chức cấp cao của Amazon đều bắt đầu bằng việc tất cả mọi người – kể cả Bezos – đọc thầm một bản ghi nhớ dài 6 trang trong vòng nửa tiếng.
Với các nhân viên mới, đó là một trải nghiệm kỳ lạ, Bezos thừa nhận với Fortune. Họ không quen với việc ngồi yên lặng trong một căn phòng và tiến hành nghiên cứu tài liệu với một nhóm quan chức. Thế nhưng Bezos tin rằng những memo như vậy đòi hỏi sự chú ý tuyệt đối. Và tự mình viết memo cũng là cách để các nhân viên thể hiện suy nghĩ của mình một cách rõ ràng lên mặt giấy.
Fortune cũng miêu tả phong cách quản lý của Bezos là “đầy thách thức và hay dò hỏi, nhưng đồng thời cũng rất thoải mái và thu hút”.
Thế nhưng tâm trạng của Bezos có thể biến thành giận dữ rất nhanh nếu như ông bắt gặp ai đó thiếu chuẩn bị hay không sẵn sàng cho một nhiệm vụ được giao. Ông đặc biệt nhạy cảm với những lời phàn nàn từ phía khách hàng, liên tục thúc ép nhân viên phải giải quyết thật nhanh và hiệu quả.
Tất nhiên, Bezos có biết những mối lo ngại của giới phân tích và các nhà đầu tư về việc Amazon đang thua lỗ. Song ông coi sự đầu tư hiện nay là một giai đoạn chuẩn bị quan trọng. Và cổ phiếu Amazon vẫn tiếp tục mạnh một cách bất ngờ.
“Ông ấy sẵn lòng chấp nhận mạo hiểm và mất tiền, nhưng phố Wall vẫn tin tưởng Bezos. Giá cổ phiếu Amazon đã tăng hơn 30% từ đầu năm đến nay. Và ngay cả khi Amazon mở rộng, thử nghiệm những dịch vụ mới, Bezos vẫn tuyệt đối kiên định trong việc mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Vì tất cả những lý do này, Fortune quyết định chọn Bezos là Doanh nhân của năm”, Fortune kết luận.