Nhiều người đã rơi vào bẫy, bị mất hàng chục triệu đồng thậm chí rơi vào cảnh nợ nần khi tham gia mô hình đa cấp lừa đảo trả thưởng thông qua các ứng dụng như "ấp trứng", "nuôi bò", "nuôi heo đất", "đào Dogecoin".
Ban đầu, những ứng dụng này mời cho người dùng tham gia các nhiệm vụ để nhận thưởng. Muốn nhận được nhiều thưởng hơn, người chơi nâng cấp gói đầu tư bằng cách nạp thêm tiền.
Những ứng dụng này được giới thiệu công việc đơn giản với khả năng hoàn vốn nhanh, "cam kết 100% có lời".
Tuy nhiên, sau vài tháng, khi thu hút được nhiều người tham gia, các ứng dụng này sẽ đóng cửa, ngừng trả tiền làm nhiệm vụ và số tiền đầu tư của người đầu tư cũng bốc hơi chỉ sau một đêm.
Theo các chuyên gia, các ứng dụng lừa đảo này là biến tướng từ mô hình trả thưởng (bounty).
A - một người dùng tham gia ứng dụng Bounty6 chia sẻ, họ chỉ cần hoàn thành các nhiệm vụ đơn giản như thả tim, follow, đăng ký các tài khoản TikTok, Facebook, YouTube, sau đó chụp ảnh xác nhận để nhận thưởng.
Bounty6 có 10 cấp. Ở cấp phổ thông, mỗi ngày chỉ được tham gia 10 nhiệm vụ, người tham gia sau khi hoàn thành nhiệm vụ được trả 1.000 đồng. Vì thấy mỗi ngày chỉ thu được 10.000 đồng, quá thấp, A đã bỏ thêm 300.000 đồng để mua gói vip 2 với 175 nhiệm vụ trong 7 ngày. Ở gói này, mỗi nhiệm vụ được trả 2.500 đồng và nếu hoàn thành sẽ nhận về số tiền 437.500 đồng trong 7 ngày.
Thời gian đầu A nhận được tiền thưởng đầy đủ nên dần tin vào ứng dụng. Vì vậy, A đã vay 23 triệu lãi suất cao để đầu tư mua gói Vip 6. Gói này có 60 nhiệm vụ mỗi ngày trong vòng 1 năm, mỗi nhiệm vụ được trả 24.000 đồng. Có nghĩa là mỗi ngày nếu hoàn thành nhiệm vụ, A sẽ thu về 1,4 triệu đồng và chỉ khoảng nửa tháng là A sẽ thu hồi vốn. Nhưng chỉ vài ngày sau, toàn bộ hội nhóm tham gia ứng dụng Bounty6 đều thông báo không thể rút được tiền nữa.
Không chỉ nâng cấp gói, Bounty6 còn trích hoa hồng cho người tham gia khi "cấp dưới" hoàn thành nhiệm vụ hay nạp tiền để khuyến khích người tham gia giới thiệu bạn bè.
Mô hình trả thưởng biến tướng
Bounty6 tuyên bố rằng, họ được các TikToker trả tiền để tăng theo dõi. Tuy nhiên, trên thực thế ứng dụng cố kiếm tiền bằng cách chiêu dụ người dùng nâng cấp gói.
Khi làm nhiệm vụ, Bounty6 yêu cầu chụp ảnh màn hình tài khoản TikTok được yêu cầu theo dõi, người dùng chỉ gửi một tấm ảnh ngẫu nhiên mà ứng dụng vẫn tính nhiệm vụ đã hoàn thành.
Ứng dụng Bounty6 không phát hành ứng dụng trên các kho, chỉ có phiên bản web được thiết kế sơ sài. Mặc dù có nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng bản chất cuối cùng là quay về nạp tiền để nâng cấp tài khoản. Các chuyên gia cho biết, đây chính là dấu hiệu cho thấy Bounty6 là ứng dụng lừa đảo.
Chỉ cần 6h để hoàn thành một trang web như Bounty6. Vì vậy, những ứng dụng lừa đảo xuất hiện dày đặc trên Internet chào mời người dùng.
Sau khi bounty6 ngừng trả tiền làm nhiệm vụ, A ngay lập tức nhận được lời chào mời mới trên Facebook. Ứng dụng mới này yêu cầu người dùng để lại đánh giá sản phẩm trên các shop TMĐT để nhận thưởng và tất nhiên nó cũng có những gói nâng cấp tài khoản. Khi bấm vào phần thông tin thanh toán, A nhận ra số tài khoản của người mà mình từng chuyển tiền trước đó trong dự án Bounty6. Sau vụ việc đáng tiếc này, A khẳng định sẽ không tham gia vào mô hình này nữa.