Các đại gia công nghệ lạc quan về thị trường Việt Nam

"Khi đi trên đường phố Hà Nội và Sài Gòn, tôi có thể cảm nhận rõ sự lạc quan đặc biệt bên trong các bạn". Đến thăm Việt Nam ngay trong những ngày đầu năm, ông Amit Midha, Chủ tịch Dell Trung Quốc và Nam Á đã phải thốt lên như vậy.

Ông Amit Midha khẳng định Dell sẽ đầu tư lâu dài tại VN chứ không "ăn xổi, ngắn hạn". Ảnh: VNN

"Bầu không khí này, tin tôi đi, các bạn sẽ không thể bắt gặp được ở Tây bán cầu đâu. Mọi người ở đó vẫn đang còn u ám, ủ rũ và stress lắm. Sự lạc quan là hết sức cần thiết, vì nó thể hiện niềm tin của các bạn vào triển vọng trước mắt".

Năm 2009, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia đạt mức tăng trưởng GDP dương. Bên cạnh đó, Chính phủ công bố quyết tâm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT và định hướng công nghệ trở thành nền kinh tế mũi nhọn của đất nước. Những tiền đề quan trọng này đã khiến cho Việt Nam trở nên hấp dẫn trong mắt các đại gia công nghệ thế giới.

Cũng theo ông Midha thì những phân tích sâu về nhân khẩu học cho thấy, việc chiếm đa số trong 80 triệu dân Việt Nam hiện nay là những người ở độ tuổi lao động vàng chính là một cơ hội hiếm có để VN tăng trưởng và phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai. Thừa nhận mình không phải một chuyên gia "Việt Nam học" nhưng ông Midha lại nhìn Viêtbằng con mắt của một nhà đầu tư gạo cội ngoại quốc. Nhiệm vụ của ông là phân tích, thử nghiệm, xem xét mọi khả năng đầu tư của Dell vào thị trường tiềm năng này, từ đó đưa ra những đánh giá, nhận định và khuyến nghị thích hợp nhất cho cách "ứng xử" của hãng máy tính lớn thứ hai thế giới với Việt Nam.

"Tôi đã thấy nhiều dấu hiệu tích cực cho phép Dell đầu tư lâu dài vào Việt Nam", ông Midha chia sẻ. Tuy nhiên, những dấu hiệu cụ thể này là gì thì ông vẫn giữ làm bí mật. Chỉ biết rằng từ quan điểm của ông, "không có bất cứ lý do gì để không chọn Việt Nam", khi mà thị trường này có rất nhiều điểm tương đồng với Philippines, Malaysia và Trung Quốc, những nơi Dell đã đặt cơ sở sản xuất hoặc hỗ trợ khu vực của mình.

"Không có gì phải nghi ngờ nữa, nếu chúng tôi đầu tư vào Việt Nam, công việc kinh doanh sẽ tăng trưởng lớn hơn nữa, hơn hơn nữa rất nhiều", ông Midha nhấn mạnh. "Chúng tôi đã sẵn sàng để đầu tư, vì có đối tác đã bỏ nhỏ với tôi rằng: Nếu Dell đầu tư ổn định vào Việt Nam, các đơn hàng mà chúng tôi nhận được sẽ có khả năng lớn hơn. Việc tăng cường sự hiện diện của Dell tại đây là rất cần thiết
".

"Đôi khi bạn phải bỏ tiền đầu tư ngay khi thị trường chỉ mới bước vào giai đoạn bắt đầu phát triển. Nếu so sánh một cách tương đối, thị trường Việt Nam còn khá bé nhỏ so với Malaysia hay Singapore là hai quốc gia láng giềng. Nhưng trong vòng 2-3 năm nữa, Việt Nam sẽ tăng tốc rất nhanh".

Mới chỉ phân phối

Tuy nhiên, hơi đáng tiếc khi tại thời điểm này, sự đầu tư của Dell vào Việt Nam chỉ mới dừng lại ở việc tìm kiếm đối tác để phân phối sản phẩm chứ chưa mở rộng sang việc sản xuất hay thành lập trung tâm Nghiên cứu & Phát triển.

Bản thân ông Midha cũng thừa nhận rằng để Việt Nam trở thành cơ sở sản xuất hay cung cấp các dịch vụ hỗ trợ mang tính toàn cầu cho Dell thì còn phải "rất lâu nữa". Song đại diện của Dell cũng "trấn an" rằng Dell xác định đầu tư vào VN là "một chặng đua dài hạn chứ không phải là một cuộc đua ăn xổi", và vào từng thời điểm cụ thể, hãng sẽ có những sách lược riêng phù hợp. Trong thời gian chờ đợi, số nhân viên của Dell tại Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần vào cuối năm 2010.

Ông Todd Bradley (giữa) khẳng định Thị trường VN ngày càng giữ một vai trò quan trọng đối với chiến lược kinh doanh của tập đoàn HP toàn cầu. Ảnh: VNN
Đối thủ chính của Dell trên thị trường PC thế giới - HP cũng thể hiện sự ưu ái rõ rệt dành cho Việt Nam. Cuối tuần trước, ông Todd Bradley, một quan chức cấp cao của HP toàn cầu đã sang Việt Nam để chứng kiến lễ ký kết thoả thuận hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh phát triển ứng dụng CNTT.

Ông Bradley là người phụ trách nhóm Máy tính cá nhân tại HP và được đánh giá là người đã ảnh hưởng không nhỏ tới cách cả thế giới sử dụng máy tính trong thập niên qua. Vì thế, theo lời giới thiệu của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Đức Đam, có thể coi Todd Bradley chính là vị quan chức IT cấp cao nhất "xông đất" Việt Nam trong năm 2010.

"Việt Nam là một thị trường ngày càng quan trọng đối với chúng tôi", ông Bradley chia sẻ riêng với phóng viên VietNamNet. "Trong số các thị trường mới nổi thì Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vào loại nhanh nhất, chỉ sau Trung Quốc. Tôi có một cảm nhận hoàn toàn tích cực về triển vọng của năm tới".

Điều quan trọng nhất, theo ông Bradley, chính là việc Chính phủ Việt Nam thực sự ưu ái và biệt đãi công nghệ. Việc các nhà hoạch định chính sách xác định vai trò chiến lược của công nghệ sẽ giúp thị trường công nghệ Việt Nam có thể bật lên và tăng tốc, vì nó đảm bảo những ưu đãi, những sự hỗ trợ hết sức cần thiết từ cấp vĩ mô cho doanh nghiệp và nhà sản xuất.

Cũng như Dell, hiện HP chưa có nhà máy sản xuất tại Việt Nam mà mới chỉ dừng lại ở kênh phân phối, bán hàng. Tuy nhiên, nếu như trước đây HP chỉ chủ yếu mang vào Việt Nam những sản phẩm giá rẻ, đại trà thì giờ đây, họ đã phải điều chỉnh lại chiến lược. HP đã bắt đầu phân phối tại Việt Nam các dòng sản phẩm cao cấp, đắt tiền, bao gồm cả mẫu laptop đắt nhất hiện nay của hãng là Envy. Suy cho cùng, không thể có một thị trường lớn khi đầu ra chỉ toàn là phân khúc bình dân và người tiêu dùng gần như không có bất cứ đòi hỏi gì về công nghệ hay giá trị.

Vướng ở nhân lực

Đặt ngược lại vấn đề vì sao các hãng công nghệ lớn của nước ngoài chỉ nhìn thấy triển vọng bán hàng tại Việt Nam mà chưa muốn thiết lập cơ sở sản xuất, những người am hiểu công nghệ trong nước cho rằng, một trong những lý do chính là nguồn nhân lực chưa đáp ứng được tiêu chuẩn "quốc tế". Nói cách khác, nếu Việt Nam không nhanh chóng cải thiện được nút thắt này thì sẽ vẫn mãi chỉ là "nơi tiêu thụ sản phẩm" cho nước ngoài mà thôi.

"Một đại gia công nghệ là IBM rất mặn mà với Việt Nam. Hiện một phần tư nhân lực của hãng đang nằm tại Ấn Độ và theo đánh giá của họ, đó là một rủi ro lớn. IBM thực sự rất muốn dịch chuyển bớt bộ máy của họ sang Việt Nam nhưng chưa được. Tương tự, hãng máy bay Boeing cũng đã vào Việt Nam ít nhất là 2-3 lần để tìm kiếm cơ hội triển khai các dự án liên quan đến phần mềm hỗ trợ hàng không mà không thành công", ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm VINASA cho biết.

Nhân lực Việt Nam chưa thể đáp ứng được yêu cầu cao từ phía các đối tác nước ngoài. Năng lực không thấp, thậm chí người Việt Nam còn luôn được đánh giá là thông minh, chịu khó, nhưng những kỹ năng mềm lại quá yếu. Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, một nền giáo dục còn nhiều bất cập đã kìm hãm khả năng sáng tạo - điều tối cần thiết trong lĩnh vực công nghệ.

Theo ông Công, con người, nguồn lao động là khâu cần có được giải pháp đột phá từ phía Chính phủ, nếu như không muốn các cuộc toạ đàm về phát triển ngành công nghiệp CNTT cứ "mãi rơi vào vòng luẩn quẩn: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Đề án Tăng tốc do Bộ Thông tin & Truyền thông soạn thảo, trình lên Chính phủ đã được Thủ tướng phê duyệt, với mục tiêu tháo gỡ các vướng mắc, dọn đường cho Việt Nam hình thành một nền công nghiệp CNTT và lấy CNTT làm "bàn đạp" để thúc đẩy các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra như tiếp nhận chương trình đào tạo từ nước ngoài, xây dựng thí điểm cơ chế lương mới, trả theo hiệu quả, xã hội hoá khâu đào tạo nhân lực CNTT, đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp... Mục tiêu cuối cùng là hình thành được những doanh nghiệp, những sản phẩm công nghệ mang tầm vóc quốc tế mà nhìn vào, "biết ngay là Việt Nam". Tuy nhiên, nếu các chương trình này không được triển khai quyết liệt, đồng bộ và nhanh chóng, rất có thể Việt Nam sẽ bỏ lỡ "cơ hội vàng hiếm có" để tăng tốc này.

Thứ Sáu, 29/01/2010 18:54
31 👨 856
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp