Một điều hiển nhiên khi sử dụng những chiếc bút viết thông thường đó là bạn không thể biết được từ mà mình viết ra có đúng chính tả hay không. Tuy nhiên, với chiếc bút điện tử có tên Lernstift mới đây, nỗi "ám ảnh" này có lẽ sẽ không còn nữa.
Được phát minh bởi 2 người Đức là Falk Wolsky và Daniel Kaesmacher, bút Lernstift có khả năng tạo ra các rung động để báo cho người dùng biết chữ viết của họ hiện đã sai về chính tả, ngữ pháp và cần được sửa lại. Chức năng của Lernstift cho thấy nó rất hữu dụng với những người học ngoại ngữ.
Lernstift được tích hợp phần mềm và công nghệ nhận dạng chữ viết tay 1 cách đầy đủ ngay bên trong, do đó nó không cần phải kết nối với máy tính để nhận diện lỗi chính tả như các bút dùng cảm biến quang khác. Hiện Lernstift có thể nhận diện được ngữ pháp và chính tả của tiếng Đức và tiếng Anh.
Theo 2 nhà phát minh, chiếc bút này có hai chức năng chính, chế độ chính tả để nhận diện lỗi chính tả, và chế độ thư pháp, chỉ ra sai sót về ngữ pháp của câu, hay thậm chí nó sẽ chỉ cho bạn cách viết nào dễ đọc và dễ hiểu hơn. Người dùng cũng có thể lựa chọn các kiểu bút gồm bút chì, bút máy và bút bi.
Lernstift sử dụng một hệ thống Linux nhúng và bảng mạch chứa cảm biến chuyển động, bộ xử lý, bộ nhớ, Wi-Fi và các module rung động hình bầu dục để phù hợp với hình cong của cây bút. Cảm biến chuyển động sẽ kết hợp con quay hồi chuyển và một gia tốc đồng thời sử dụng ba phương pháp khác nhau để xử lý các dữ liệu từ chữ viết tay.
Hai nhà phát minh hy vọng rằng sẽ có từ 20 đến 100 đơn vị sản phẩm sẽ bắt đầu sản xuất vào tháng Tám hoặc tháng Chín tới. Ngoài ra, họ cũng đang tìm kiếm nguồn quỹ mục tiêu là 181.476 USD trên Kickstarter để có vốn sản xuất đại trà sản phẩm vào cuối năm. Giá bán dự kiến của Lernstift sẽ vào khoảng 150 USD.