Bước đầu hình thành môi trường cạnh tranh

Theo Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), ngành viễn thông và CNTT VN trong những năm gần đây đạt tốc độ tăng trưởng cao, đứng thứ hai thế giới, nhất là về Internet và thông tin di động với mức tăng trưởng 150-200%/năm...

Cơ hội nào cho nhà đầu tư?

Tiến sĩ Nguyễn Thành Phúc, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Bưu chính Viễn thông và CNTT, thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông, cho biết ngành viễn thông VN đã bước đầu hình thành được môi trường cạnh tranh khi đang mở cửa cho các doanh nghiệp tham gia. Hiện có bốn doanh nghiệp viễn thông di động đang chia sẻ thị phần, trong đó đứng đầu là VinaPhone (48,72%), MobiFone (35,63%), Viettel (11,41%) và S-Phone (4,24%). Dự kiến đầu năm nay, Hanoi Telecom và EVN Telecom cũng sẽ đi vào hoạt động.

Sự "thay da đổi thịt" của thị trường viễn thông Việt Nam sẽ giúpcả doanh nghiệp và khách hàng đều có lợi.

Trong khi đó với dịch vụ Internet, thị phần lớn nhất vẫn thuộc về Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT với 48,05%, tiếp theo là FPT (29,7%), Viettel (11,03%). Năm doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần không đáng kể, bao gồm: Saigon Postel (5%), Netnam (4%), OCI (1,06%), TieNet (0,32%) và Hanoi Telecom (0,14%).

Theo ông Phúc, một khi môi trường cạnh tranh được hình thành, sẽ có nhiều yêu cầu mới đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Đó là vấn đề về kết nối, chia sẻ và nâng cấp tài nguyên mạng, "cuộc chiến" giảm giá cuớc, nâng cao chất lượng dịch vụ... Theo ông Phúc, dự kiến đến năm 2010 thị phần của các doanh nghiệp ngoài VNPT mới đạt 40-50%.

"Với tốc độ tăng trưởng 27%/năm trong hơn mười năm qua, có thể thấy thị trường viễn thông Việt Nam đang rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài", ông Lars Heiberg, Đại diện của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại châu Á - Thái Bình Dương, cho biết tại Hội nghị và Triển kãm quốc tế về Công nghệ truyền thông và Hệ thống mạng lần thứ 4 (COMNET Vietnam 2005) được tổ chức tại Hà Nội giữa tháng 12/2005 vừa qua.

Hiện số luợng thuê bao di động và Internet tại Việt Nam đang tăng với tốc độ 150-200%/năm; trong khi đó, tốc độ tăng trưởng chung của toàn bộ thị trường viễn thông đạt 20-25%/ănm. Đây là những con số vô cùng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính vì vậy, COMNET Vietnam 2005 đã thu hút nhiều nhà cung cấp dịch vụ và công nghệ viễn thông lớn trên thế giới tham dự. Khu triển lãm của hơn 50 công ty đến từ mười quốc gia trong khu vực và trên thế giới giới thiệu nhiều sản phẩm, giải pháp công nghệ tiên tiến nhất với hệ thống WPAN, Wi-Fi/WLAN, sản phẩm giải trí đa phương tiện của VNPT, Cisco Systems, Sun Microsystems, FPT FIS, Siemens, Alcatel, EVN Telecom...

COMNET VietNam 2005 tập trung giới thiệu bước phát triển mới trong lĩnh vực ứng dụng đa dịch vụ như dịch vụ gia tăng, giải trí qua thiết bị di động, mạng thế hệ tiếp theo NGN, mạng diện rộng thành phố Mega WAN, vô tuyến băng thông rộng đô thị Metro theo mô hình Chính phủ điện tử, dịch vụ ứng dụng 3G, WiMax... Một vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư là khi việc ứng dụng công nghệ 3G, WiMax... nhất là khi điện thoại di động trở thành "máy thông tin số", được dùng như chứng minh thư, như chiếc thẻ thay vé máy bay, tàu hoả, là ví tiền điện tử, thanh toán, quản lý truy nhập, mua hàng hay thiết bị xem phim, nghe nhạc... thì cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Trong thời gian tới, xu hướng phát triển dịch vụ viễn thông chính là "Hội tụ di động - cố định và cá nhân hoá", còn xu hướng phát triển mạng là "tích hợp thoại với dữ liệu" thông qua sự kết nối của mạng điện thoại chuyển mạch công cộng (PSTN), mạng NGN và dữ liệu. Theo ông Hoàng Văn Nhuần, Phó giám đốc công ty EVN Telecom, điều tiên quyết để hiện thực hoá xu hướng nói trên là phải có Internet băng thông rộng. Và đây cũng chính là cơ hội cho các nhà đầu tư.

Và những bước chuẩn bị

Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 58/2005/QĐ-TTg phê duyệt đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Bưu chính Viễn thông trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại VNPT. Hiện nay, các thủ tục đang hoàn tất để tập đoàn này có thể ra mắt trong năm nay.

Đặc biệt, trong năm 2005, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Lê Nam Thắng cho biết mục tiêu là đến năm 2010, ngành CNTT và truyền thông sẽ trở thành công nghiệp mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng 20-25%/năm, đạt tổng doanh thu khoảng 6-7 tỷ USD, cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet Việt Nam sử dụng công nghệ hiện đại, phát triển nhanh, đa dạng hoá và cung cấp cho người sử dụng các dịch vụ chất lượng cao với giá cước thấp hơn hoặc tương đương với mức bình quân của các nước trong khu vực; mật độ điện thoại cả nước đạt 32-42 máy/100 dân; mật độ thuê bao Internet đạt 8-12 máy/100 dân (trong đó 30% là thuê bao băng thông rộng), với tỷ lệ sử dụng Internet đạt 25-35%, điện thoại cố định và Internet phổ cập đến tất cả các xã...

Để thực hiện được những mục tiêu nói trên, theo ông Phúc, các nhóm giải pháp chính cần thực hiện, bao gồm: Thúc đẩy cạnh tranh, phát triển nội lực, trong đó có việc thiết lập chính sách quản lý bình đẳng các nguồn tài nguyên quốc gia như phổ tần số vô tuyến điện, kho số, mã số, tên miền, địa chỉ Internet... để tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước và bảo đảm hội nhập. Ông Phúc cho rằng, riêng về số lượng doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng viễn thông phải do Thủ tướng quyết định, cần đảm bảo các nguyên tắc về phát triển thị trường lành mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; tận dụng cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet sẵn có, tránh đầu tư chồng chéo và sử dụng có hiệu quả tài nguyên viễn thông và nguồn lực quốc gia...

Thứ Hai, 23/01/2006 08:25
51 👨 111
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp