Sự thuận tiện của 3G cho phép người sử dụng có thể truy cập Internet ở mọi lúc, mọi nơi nhờ vùng phủ sóng rộng khắp.
Thế nhưng, nhược điểm của USB 3G hay một chiếc điện thoại có kết nối 3G là người dùng chỉ sử dụng được duy nhất trên một chiếc máy tính. Vì thế, nếu muốn chia sẻ cho người khác cùng sử dụng thì người dùng có thể sử dụng laptop và thiết lập một điểm phát mạng wifi. Nhưng cách này tỏ ra khá phức tạp và không phải ai cũng biết cách cấu hình.
Mới đây, trên thị trường đã xuất hiện một vài sản phẩm modem 3G wifi cho phép chuyển đổi sóng 3G thành wifi để sử dụng được cho nhiều máy tính. Điểm chung của các loại thiết bị này là đều có cơ chế hoạt động gần tương tự như modem ADSL wifi thông thường nhưng thay vì cần một dây mạng ADSL thì người dùng chỉ cần cắm một SIM 3G của bất kì nhà mạng nào là có thể sử dụng được ngay.
Sản phẩm modem 3G wifi xuất hiện đầu tiên là E5830 của Huawei cho phép kết nối tối đa 5 máy tính cùng lúc và chỉ có tốc độ 3,6 Mbps. Hiện nay, trên mạng đang xuất hiện 3 loại thiết bị modem 3G wifi mới là Option GlobeSurfer II 7.2 của Vodafone (wifi chuẩn b/g và có giá 2,4 triệu đồng), Hi-Bridge Vodafone HG556 (cho phép phát wifi chuẩn n, giá 2,5 triệu đồng), Hi-Bridge Vodafone HG553 (chỉ phát wifi chuẩn b/g, giá 1,5 triệu đồng) và đều do cửa hàng máy tính Hobby ở địa chỉ Lê Gia Định (Hà Nội) cung cấp. Trong khi modem Option GlobeSurfer II chỉ sử dụng duy nhất 3G để truy cập mạng thì 2 loại modem Hi-Bridge Vodafone còn có thêm cổng ADSL để sử dụng khi cần thiết. Đổi lại, sản phẩm Option GlobeSurfer II có hình dáng khá nhỏ gọn chỉ bằng khoảng 3 bao thuốc lá nên rất tiện đối với những người hay phải di chuyển.
So với E5830 thì 3 loại modem 3G wifi mới này có ưu điểm vượt trội hơn hẳn, cho phép người sử dụng có thể phát wifi kết nối với số lượng máy tính bất kì với tốc độ lên đến 7,2 Mbps và các thiết bị không có kết nối wifi (máy tính để bàn…) vẫn có thể kết nối vào Internet hoặc chia sẻ dữ liệu qua mạng LAN cắm dây.
Liệu thiết bị modem 3G wifi đang xuất hiện trên thị trường hiện nay có ngăn chặn được các nguy cơ về bảo mật khi sử dụng 3G hay không? Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Bộ phận An ninh mạng của BKIS cho biết, theo như những gì giới thiệu về modem 3G wifi thì sản phẩm này có đầy đủ mọi tính năng của một modem ADSL thông thường nên nhiều khả năng nó sẽ không chia những cổng quan trọng của máy tính như cổng 135, 445 (đều dùng để chia sẻ file), 3389 (điều khiển máy tính từ xa) khi tiếp xúc với môi trường Internet.
“Nếu như các nhà mạng vẫn chưa sửa được những lỗ hổng của mạng 3G như BKIS đã cảnh báo thì modem 3G wifi sẽ giúp cho người sử dụng không bị nguy cơ tấn công từ các hacker. Tuy nhiên, hiện nay, các nhà mạng đều cũng đã có các giải pháp ngăn chặn vấn đề này nên sẽ tạo thành 2 lớp bảo vệ, vừa là giải pháp từ nhà mạng vừa là từ thiết bị này”, ông Đức khẳng định.