Apple "mở cửa" iPhone

Apple đã chính thức "mở cửa" phần mềm của "con dế đình đám" iPhone cho cộng đồng phát triển bên ngoài, với hy vọng độ "hot" của iPhone sẽ ngày càng sôi sục và thậm chí còn có thể thách thức ngôi vị Hoàng đế của BlackBerry trên thị trường smartphone Mỹ.

Đặc ân?

Trong một hội thảo đặc biệt vừa diễn ra ở San Francisco, Mỹ, Apple đã trình làng một bộ công cụ phát triển phần mềm (SDK) dành riêng cho iPhone, cho phép giới lập trình thoải mái nhào nặn ra ứng dụng phục vụ "con dế" này.

Apple khẳng định chính các kỹ sư của họ cũng sử dụng SDK này để viết ra ứng dụng và phần mềm iPhone.

"Đây là một đặc ân mà Apple chưa từng dành tặng cho thế giới bên ngoài trước đây", hãng nghiên cứu Gartner bình luận.

Trước đây, mỗi sản phẩm của "Quả táo" luôn giống như một khu vườn cấm, quyến rũ nhưng đầy bí ẩn với kẻ ngoại đạo. Đơn giản là vì Apple không bao giờ chia sẻ công nghệ của hãng với ai.

"Chúng tôi hy vọng iPhone sẽ trở nên có giá và đáng mua hơn trong mắt người dùng. Đây không phải là một dự án nguồn mở. Ngược lại, việc mở cửa iPhone là một dự án nhắm tới lợi nhuận", Giám đốc điều hành Steve Jobs thẳng thắn chia sẻ.

Thậm chí, Apple còn cùng với một số hãng đầu tư lập ra quỹ "iFund" để tài trợ cho các ứng dụng viết trên nền tảng iPhone. Một số ứng dụng đặc biệt xuất sắc sẽ được hãng rót tiền và phát hành độc quyền trên website của Apple.

Sự kiện "lịch sử"?

SDK iPhone cũng cho phép viết ra các ứng dụng tương thích với iPod Touch. Nguồn: AFP

"Ngày hôm nay, chúng ta được chứng kiến một sự kiện lịch sử: Phát hành SDK dành cho iPhone", Jobs nói.

Ngân sách của iFund lên tới 100 triệu USD, một số tiền mà theo Jobs có thể "khởi nghiệp đến gần chục Amazon.com hoặc thậm chí là 4 hãng Google", bởi trước đây Amazon thành lập chỉ với 8 triệu USD trong tay. Google khá hơn khi thu hút được số vốn đầu tư mạo hiểm 24 triệu USD.

Những ứng dụng viết cho iPhone cũng có thể chạy được trên iPod Touch, bởi theo Jobs, chiếc máy nghe nhạc đời mới nhất này về cơ bản chính là iPhone bỏ-đi-chức-năng-điện-thoại.

"Giới phát triển sẽ được tự do định giá ứng dụng của mình và nhận được 70% doanh thu". Số còn lại sẽ phải nộp cho App Store.

Hiện tại, iPhone đang chiếm khoảng 21% thị phần smartphone tại Mỹ, chỉ thua mỗi Quán quân BlackBerry của RIM với 41% thị phần. Để hạ bệ BlackBerry, Apple chẳng nề hà cả việc phải bắt tay với Microsoft.

Theo thông báo mới nhất, iPhone sẽ tương thích với phần mềm Office Exchange của Microsoft, cho phép người dùng doanh nghiệp nhận được email, danh bạ và thời gian biểu từ máy tính gửi đến.

"Nếu như email gửi đi bằng BlackBerry phải trung chuyển qua máy chủ của RIM đặt tại Canada, thì các thông điệp của iPhone sẽ được chuyển thẳng từ điện thoại đến điện thoại", Jobs chĩa mũi dùi vào đối thủ.

Một tính năng mới của iPhone cũng rất cần thiết cho người dùng doanh nghiệp là Bảo mật kết nối không dây, cho phép chủ máy xóa sạch dữ liệu từ xa trong trường hợp iPhone bị thất lạc hay mất cắp.

Tính tới nay, "Apple đã bán được hơn 4 triệu máy iPhone", Jobs cho biết. "Thị trường doanh nghiệp sẽ là một cơ hội mới, khổng lồ của chúng tôi".

Hơn cả mong đợi

Nguồn: AP
Phản ứng của giới công nghệ và chuyên gia về iPhone SDK nói chung là tích cực. Thậm chí hãng phần mềm Bear River Associates còn thốt lên rằng "Hơn cả sự mong đợi của chúng tôi. Đây là thứ mà tất cả mọi người đều thèm có".

Nhà phân tích Simon Yates của hãng nghiên cứu Forrester thì cho rằng iPhone SDK sẽ làm hài lòng cả ba phía: Giới phát triển, các doanh nghiệp và người tiêu dùng bình thường.

"Bắt tay với Microsoft sẽ giúp Apple tiếp cận hàng triệu người dùng Exchange và Outlook. Đây là cuộc chiến nhắm đích danh vào BlackBerry", Yates bình luận thêm.

Có được Giao diện lập trình ứng dụng iPhone trong tay, chưa bao giờ việc viết ứng dụng cho iPhone lại trở nên dễ dàng dến thế. Chưa hết, Apple còn tỏ ra rất hào phóng khi tích hợp cả SQL Lite bên trong bộ công cụ SDK lần này.

SQL Lite là một cơ sở dữ liệu nguồn mở đang được cộng đồng phát triển di động ứng dụng hết sức rộng rãi. "Công việc lưu trữ dữ liệu thậm chí còn ngon ăn như bóc kẹo vậy", hãng Bear River bình luận.

Giới phát triển có thể chọn giữa 2 phương án: Sử dụng công cụ iPhone Simulator hoặc phát triển ứng dụng ngay trên phần cứng iPhone. iPhone Simulator là một nền tảng chạy trên máy tính Mac, tái tạo như thật toàn bộ API của hệ điều hành iPhone.

Các lập trình viên có thể chạy ứng dụng của mình trong môi trường ảo này, nhờ đó quy trình thiết kế tiết kiệm được thời gian một cách đáng kể.

Với phương án thứ hai, nhà lập trình phải trả cho Apple 99 USD để có thể viết ứng dụng trực tiếp trên iPhone. Lựa chọn này dễ thành công hơn, nhưng cũng tốn kém hơn.

Thứ Bảy, 08/03/2008 09:50
31 👨 93
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp