Apple đem cả tính năng 'trượt để mở khóa' đi kiện

Mới được cấp bằng sáng chế từ tháng 10/2011, Apple đã nhanh chóng tận dụng chức năng mở khóa quen thuộc trong smartphone và tablet để gây khó dễ cho đối thủ. 'Nạn nhân' đầu tiên là Motorola.

Đầu tháng này, Motorola đã giành chiến thắng quan trọng trước Apple tại tòa án Đức, khiến iPad và iPhone tạm thời bị rút khỏi các gian hàng Apple Store trực tuyến. Apple bị cho là vi phạm một số bản quyền liên quan đến kết nối GPRS và cập nhật nhắc báo (notification) do Motorola sở hữu. Chuẩn GPRS là thành phần không thể thiếu trong mọi điện thoại di động hiện đại, do đó Apple sẽ phải trả tiền bản quyền để có thể sử dụng hợp pháp.

"Quả táo" nhanh chóng trả đũa bằng đơn kiện Motorola ăn cắp thiết kế "slide to unlock" (trượt để mở khóa trên màn hình cảm ứng). Motorola chia sẻ trên báo Business Week rằng họ chuẩn bị áp dụng một thiết kế mới để mở khóa nhằm đảm bảo vụ tranh chấp với Apple không ảnh hưởng đến nguồn cung hay doanh số thiết bị tương lai.

Apple đem cả tính năng 'trượt để mở khóa' đi kiện
Các thiết bị iOS được trượt ngang để mở khóa, còn một số hãng khác đã biến tấu bằng cách trượt vòng lên.

Bằng sáng chế "slide to unlock" của Apple mới được cơ quan phụ trách bản quyền và thương hiệu của Mỹ công nhận cuối năm 2011. Đơn xin cấp bằng được Apple trình lên từ tháng 12/2005, trước cả khi iPhone thế hệ đầu xuất hiện, trong đó mô tả: "Một thiết bị màn hình cảm ứng có thể được mở bằng cử chỉ của người dùng thực hiện ngay trên màn hình đó. Thiết bị sẽ mở nếu màn hình phản ứng lại với một cử chỉ được ấn định từ trước đó. Thiết bị sẽ hiển thị một hoặc hai hình ảnh 'unlock' tương ứng với hành động mở khóa. Đó có thể là hành động di chuyển hình ảnh unlock tới một vị trí khác đã được định trước hoặc di chuyển hình ảnh unlock theo một đường xác định trước".

Những vụ kiện liên quan đến chức năng này đã được giới công nghệ dự đoán từ trước vì dù Samsung, HTC, Motorola và các hãng khác đã biến kiểu trượt ngang trong iPhone bằng cách dùng vòng tròn (ring) để mở khóa, nó vẫn là "di chuyển các hình ảnh đồ họa theo một đường nhất định".

Trong khi đó, dù sắp phá sản, Kodak vẫn bị Apple kiện về các vấn đề liên quan đến công nghệ hình ảnh và camera số.

Hồi tháng 1, Kodak cáo buộc Apple vi phạm bốn bằng sáng chế của mình nhưng Apple tuyên bố chính họ mới sở hữu những bản quyền đó. Tuần này, "Quả táo" đề nghị tòa án xử lý vụ phá sản của Kodak tại New York (Mỹ) cho họ quyền khởi kiện công ty này với lý do xâm phạm bằng sáng chế. Thậm chí, họ định đòi Kodak bồi thường cho những thiệt hại mà họ phải chịu từ khi hãng này nộp đơn xin phá sản giữa tháng trước.

Thứ Sáu, 17/02/2012 13:29
31 👨 231
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp