Theo một báo cáo mới nhất của công ty Kantar về thị phần các nền tảng di động tại các thị trường trên thế giới thì tính riêng thị trường Châu Âu hệ điều hành Android dường như chiếm ưu thế tuyệt đối với khoảng 70%.
Tây Ban Nha và Đức là hai thị trường phổ biến nhất của hệ điều hành Android với 92,5% và 76,7%. Trong khi đó hệ điều hành được xem là đối thủ của Android là iOS của Apple chỉ chiếm 4,2% và 15%. Ngoài hai thị trường trên những thị trường lớn khác của Châu Âu như Anh, Pháp Android cũng chiếm ưu thế vượt trội.
Theo phân tích của các chuyên gia thì thị phần rộng lớn của Android tại Châu Âu có sự góp công rất lớn của Samsung. Hãng khá ưu ái cho thị trường này khi liên tục tung ra các phiên bản điện thoại, máy tính bảng chạy Android với những sản phẩm luôn xếp đầu bảng trong số các thiết bị được bán ra mỗi quý như Galaxy Note II, Samsung Galaxy S4...
Hệ điều hành non trẻ của Microsoft là Windows Phone cũng có những bước phát triển tại thị trường Châu Âu với mức tăng trưởng bình quân 2,5% so với quý trước.
Tại thị trường đông dân nhất thế giới là Trung Quốc, Android thống trị với 71,5% tổng số các thiết bị di động trên thị trường chạy hệ điều hành này. Điều này cũng khá dễ hiễu khi ở Trung Quốc có nhiều công ty chuyên sản xuất các thiết bị chạy Android như ZTE, Huawei... đến những công ty nhỏ hơn cũng tập trung vào Android.
Giá xuất xưởng một thiết bị chạy Android tại Trung Quốc khá thấp so với các thị trường khác nên được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn. Xếp sau Android tại Trung Quốc là iOS với 23,6%. Tiếp theo là Windows Phone với 2,9%.
Tuy đánh mất ưu thế tại nhiều thị trường trên thế giới nhưng riêng tại Mỹ iOS vẫn là hệ điều hành di động được nhiều người sử dụng quan tâm với 41,9%, tăng 3,5% so với quý trước. Android vẫn dẫn đầu với 52% (tăng trưởng nhẹ so với 51,9% cùng kì năm ngoái) nhưng khoảng cách với iOS là không lớn. Hệ điều hành Windows Phone cũng tăng trưởng từ 3,7% của quý trước lên 4,6%.
Trong số các thị trường, Mexico có chút đặc thù riêng khi số lượng thiết bị chạy hệ điều hành lỗi thời của Nokia là Symbian lên đến 11,3% thị phần các hệ điều hành di động. Riêng hệ điều hành BlackBerry OS vẫn chưa có chuyển biến khả quan tại các thị trường mặc dù báo cáo tài chính của công ty cho thấy tổng doanh thu đã bắt đầu tăng trong quý này.