94% doanh nghiệp từng mất dữ liệu kinh doanh

Năm 2011, 94% doanh nghiệp ở Việt Nam bị mất thông tin dữ liệu kinh doanh do sai sót của con người, lỗi phần cứng, rò rỉ lỗ hổng bảo mật, mất cắp hoặc thất lạc thiết bị; 68% doanh nghiệp từng rò rỉ thông tin quan trọng ra ngoài.

Hệ lụy của việc mất thông tin trong doanh nghiệp không hề nhỏ. 65% doanh nghiệp Việt Nam được hỏi cho biết đã mất khách hàng sau khi mất dữ liệu, 58% doanh nghiệp tiết lộ lợi nhuận giảm sút, 53% doanh nghiệp bị tổn hại đến uy tín và thương hiệu, 38% doanh nghiệp phải chịu khoản tiền phạt nặng.

94% doanh nghiệp từng mất dữ liệu kinh doanh

Những con số đáng chú ý trên vừa được ông Raymond Goh, Giám đốc Kỹ thuật khu vực Nam Á, phụ trách mảng Thiết kế hệ thống và Liên minh đối tác của Symantec công bố chiều nay - 5/9/2012, trong buổi công bố Báo cáo khảo sát hiện trạng thông tin năm 2012 mới nhất của hãng.

Khảo sát của Symantec về thông tin số tại Việt Nam với sự tham gia của 100 nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy dù thông tin đang chiếm giữ 45% giá trị doanh nghiệp nhưng việc bảo vệ thông tin chưa được chú trọng. Vẫn có tới 54% nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam được hỏi cho biết đã mất thông tin do mất các thiết bị di động như laptop, iPad, USB, tablets… Có vẻ các "sếp" Việt Nam “hớ hênh” hơn những đồng nghiệp trên thế giới (khảo sát chung doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu của Symantec cho thấy chỉ có 36% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đã mất thông tin do mất thiết bị).

Theo Symantec, thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với 3 thách thức: Thông tin tăng trưởng quá nhanh; công cụ, ứng dụng quản lý thông tin chưa đủ mạnh để hỗ trợ lãnh đạo doanh nghiệp biết đâu là dữ liệu hiệu quả, đâu là dữ liệu thừa; lãng phí đầu tư lưu trữ khi dữ liệu trùng lặp quá nhiều (năm 2011, 30% dữ liệu của doanh nghiệp Việt Nam bị trùng lặp khi lưu trữ; dự kiến năm tới tỷ lệ này tăng lên 45%).

Symantec khuyến nghị các doanh nghiệp nên tập trung bảo vệ thông tin dữ liệu thay vì chỉ chăm chăm bảo vệ trung tâm dữ liệu và các trang thiết bị; cần phân loại dữ liệu, chỉ lưu trữ thông tin cần thiết, chống trùng lắp khi lưu trữ; bảo đảm tính nhất quán, đồng nhất trong bảo vệ thông tin, kể cả trong môi trường cố định hay di động; luôn linh hoạt để đáp ứng nhu cầu thông tin tương lai (ví dụ ngày càng nhiều nhân viên sử dụng máy tính bảng và doanh nghiệp cần đầu tư đủ cho cơ sở hạ tầng để quản lý tốt thông tin dữ liệu kết nối với máy tính bảng).

Theo Khảo sát hiện trạng thông tin năm 2012 của Symantec, các doanh nghiệp trên toàn cầu phải chi tới 1.100 tỷ USD/năm cho thông tin số. Tính trung bình chi tiêu trên đầu người thì doanh nghiệp lớn chi 3.297 USD/nhân viên/năm cho việc quản trị thông tin; còn doanh nghiệp vừa và nhỏ chi 3.670 USD/nhân viên/năm.

Thứ Năm, 06/09/2012 08:52
31 👨 135
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp