Phân mảnh nền tảng, giao diện người dùng không thống nhất, ít can thiệp vào quá trình phát triển phần cứng... dưới đây là những sai lầm của Android mà Microsoft cần tránh.
1. Tình trạng phân mảnh nền tảng
Google không hề thống nhất ba phiên bản của hệ điều hành Android, khiến chúng phân tán trong một thị trường không có định hướng nhất định.
Nhìn chung, tình trạng phân mảnh của Android diễn ra ở 5 khía cạnh: thiết bị; hệ điều hành; thị trường, ứng dụng và giao diện người dùng.
Theo biểu đồ phân phối Android mới nhất, 50% các thiết bị dùng Android 2.3 Gingerbread, 35% dùng Android 2.2 Froyo. Android 2.1 Eclair, mặc dù ra mắt từ cách đây 2 năm, vẫn chiếm 9,6% thị phần.
Trong khi đó, kho ứng dụng Android Market cho phép các nhà phát triển hướng đến nhiều thiết bị chạy phiên bản Android bất kỳ, dẫn đến tình trạng một số ứng dụng hoạt động trên thiết bị này nhưng lại không tương thích với thiết bị kia. Hai ví dụ cụ thể nhất là Netflix và Hulu Plus. Hai ứng dụng này có sức hấp dẫn khá lớn với đông đảo người dùng Android, tuy nhiên, khi mới ra mắt, chúng chỉ tương thích với 5 thiết bị. Thậm chí sau vài tháng Hulu Plus xuất hiện trên Android Market, chỉ có 11 thiết bị có thể truy cập ứng dụng này.
Netflix được hỗ trợ bởi gần 24 loại điện thoại Android, nhưng con số này chỉ chiếm một phần nhỏ tất cả smartphone Android đang bày bán.
Nếu muốn tiếp cận số đông, Microsoft cần tránh tuyệt đối tình trạng phân mảnh. Điều đáng mừng là hãng cũng đã có một số nỗ lực để thực hiện điều này: hầu như mọi thiết bị Windows Phone 7 đều được nâng cấp lên Windows Phone 7.5 “Mango” khi hệ điều hành này ra mắt vào tháng 05/2011.
2. Giao diện người dùng không thống nhất
Như đã nói trên, sự phân mảnh của Android dẫn đến có rất nhiều giao diện người dùng khác nhau. Nguyên nhân là do hầu như mỗi nhà sản xuất đều có tùy chỉnh riêng cho giao diện Android trên sản phẩm của mình.
Mặc dù Android chiếm hơn một nửa thị trường smartphone, sự thiếu nhất quán về thiết kế ảnh hưởng xấu tới tốc độ cập nhật phần mềm trên nền tảng này. Kết quả là, các nhà phát triển vô cùng thất vọng khi phải “tung hứng” với rất nhiều giao diện cũng như giao diện phức tạp.
Gần đây, Google đã giới thiệu giao diện Holo. Trên trang web dành cho các lập trình viên, Google tuyên bố các thiết bị trong tương lai bắt buộc phải có giao diện Holo mặc định của Android 4.0 nếu muốn sử dụng các dịch vụ của Google như Gmail, Google Maps, Music, YouTube và cả Android Market.
Đây là một khởi đầu tốt đẹp. Các nhà phát triển có thể viết ứng dụng cho môi trường Ice Cream Sandwich mặc định mà không phải lo lắng là giao diện tùy chỉnh của các nhà sản xuất sẽ làm hỏng thiết kế của họ.
Sẽ là quyết định thông minh nếu Microsoft áp dụng phương pháp thiết kế nhất quán hơn Google, giúp việc phát triển và sử dụng ứng dụng được nhanh chóng, dễ dàng hơn, cũng như đem lại trải nghiệm người dùng thống nhất trên các hệ điều hành và ứng dụng của hàng thứ ba.
3. Tăng cường phòng thủ trước malware
Android là đối tượng tấn công của phần mềm độc hại từ ngày mới ra mắt. Đến năm 2011, khả năng bảo mật của nền tảng này bị chỉ trích hơn bao giờ hết khi Google buộc phải gỡ bỏ một loạt các ứng dụng nhiễm độc. Tháng 10/2011, Công ty bảo mật McAfee đưa ra dữ liệu cho thấy riêng quý III/2011, số lượng phần mềm độc hại trên thiết bị Android đã tăng 37%.
Tháng 12/2011, Microsoft đã tặng điện thoại Windows Phone cho những người chia sẻ câu chuyện hấp dẫn nhất về việc họ gặp rắc rối với phần mềm gây hại trên Android. Những smartphone đem tặng sẽ cài sẵn hệ điều hành Windows Phone 7.5 Mango. Tuy nhiên, bản thân Windows Phone không phải nền tảng “miễn dịch” với malware. Song song với các chiến dịch quảng cáo như trên, Microsoft cần chú trọng tăng khả năng bảo mật cho nền tảng của mình. Cụ thể, hãng có thể áp dụng quy trình phê duyệt ứng dụng khắt khe như Apple vẫn làm với các ứng dụng trên App Store.
Khả năng bảo mật cao sẽ giúp Microsoft kiểm soát trải nghiệm người dùng và, về lâu dài, tăng sự tín nghiệm của khách hàng.
4. Cùng đối tác phát triển sản phẩm và nâng cao trải nghiệm người dùng
Các thiết bị Android nói chung bị đánh giá thấp hơn thiết bị iOS về tốc độ và sự nhanh nhạy. Đây là hậu quả của việc Google không mấy khi tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm của đối tác phần cứng.
Google đã áp dụng phương pháp lỗi thời của Microsoft: cung cấp một hệ điều hành và cho phép các đối tác phần cứng cũng như các nhà mạng làm mọi điều họ muốn với nền tảng đó.
Hiện tại, Microsoft đã khôn ngoan hơn trong chiến lược di động khi học tập một số kinh nghiệm của Apple. Các nhà sản xuất điện thoại phải tuân theo các yêu cầu nghiêm ngặt về phần cứng nếu muốn đưa Windows Phone 7 lên thiết bị của mình. Không giống như Android đang hoạt động trên hàng trăm thiết bị bày bán, Windows Phone 7 chỉ có khoảng 20 thiết bị hỗ trợ.
Một trong những nhân tố góp phần lớn nhất và thành công của iPhone chính là khả năng điều khiển và phản ứng nhanh nhạy. Đây cũng là những gì Windows Phone cần để được đánh giá cao.
Microsoft đã từng được coi là người đi đầu thời đại kỹ thuật số với nhiều sáng kiến lớn. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, hình ảnh của hãng đã trở nên mờ nhạt. Bằng cách cân nhắc chiến lược kỹ lưỡng hơn, bao gồm tránh những sai lầm nói trên của Android, biết đâu đấy, Microsoft sẽ gây được tiếng vang với thị trường di động năm 2012.