Tin Steve Jobs từ chức CEO không chỉ làm sụt giá cổ phiếu của chính Apple, mà còn tác động đến cổ phiếu của các nhà cung cấp và đối tác của hãng - những tập đoàn hàng đầu thế giới như AT&T, Verizon, Foxconn...
Xét cho cùng, Apple đang thống trị thị phần lớn nhất trên thị trường máy tính bảng và là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai. Và cứ mỗi 5 máy tính cá nhân mới được bán ra tại Mỹ, thì có 1 chiếc gắn mác Apple, theo kết quả nghiên cứu của NPD Group. Thực tế, doanh thu của Apple đã đánh bại mọi kì vọng của Phố Wall.
Dưới đây là 10 công ty chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi tại Apple.
AT&T
AT&T là một trong những đối tác kinh doanh thân thiết nhất của Apple và là hãng phân phối iPhone duy nhất của Mỹ giữa năm 2007 và 2011. Tháng 2/2011, đối thủ Verizon Communicatión của hãng cũng bắt đầu bán iPhone 4.
Với AT&T, iPhone là một quân bài chủ lực. Ví dụ, công ty có 3,6 triệu lượt kích hoạt dịch vụ trên iPhones chỉ trong 3 tháng đầu năm 2011, trong đó có 23% là những người mới đăng kí sử dụng AT&T. Chỉ riêng nửa đầu năm nay, AT&T đã có 7,2 triệu lượt kích hoạt trên iPhone.
Sau khi Apple tuyên bố rằng Steve Jobs sẽ rời ghế CEO, chủ tịch kiêm CEO của AT&T, Randall Stephenson, đã phát biểu rằng Jobs “là một trong những doanh nhân thiên tài, nhà chiến lược có tầm nhìn, bộ óc sáng tạo nhất của nền công nghiệp.” Hãng cung cấp dịch vụ không dây cũng bày tỏ mong đợi được cộng tác cùng CEO mới Tim Cook và nhóm quản trị của ông.
Verizon Communications
Verizon ban đầu đã bị iPhone cướp mất lợi nhuận khi Apple liên minh với AT&T năm 2007.
Nhưng đến tháng 2/2011, hãng phân phối viễn thông lớn nhất nước Mỹ đã đánh dấu chấm hết cho những năm tháng ảm đạm bằng việc lần đầu tiên cho ra mắt sản phẩm của Apple, iPhone 4. Verizon và Apple được cho là đã thảo luận từ năm 2008 và dành nguyên 1 năm để thử iPhone trên mạng CDMA của Verizon.
Khoảng 1 triệu chiếc Verizon iPhones đã được bán ra chỉ ngay trong tuần ra mắt đầu tiên, với 60% doanh thu đến từ những đơn hàng đặt trước. Tính tổng, 4,5 triệu chiếc iPhones mới đã được Verizon bán ra trong 6 tháng đầu năm nay.
Foxconn
Tập đoàn công nghệ Foxconn là hãng sản xuất đồ điện tử lớn nhất thế giới. Foxconn là tên giao dịch của công ty Hon Hai Precision Industry – nhà xuất khẩu lớn nhất khu vực Trung Quốc đại lục.
Gã khổng lồ trong giới công nghệ Trung Quốc lắp ráp các sản phẩm của Apple – iPad, iPhone, iPod và máy tính Mac trong các nhà xưởng trên khắp Trung Quốc và Đài Loan. Năm ngoái, Foxconn đã gặp hỏa hoạn, trước đó là một chuỗi vụ tự tử tại nhà máy Thâm Quyến. Công ty đã phản ứng bằng cách thiết lập đường dây nóng, cung cấp dịch vụ tư vấn, và lắp đặt lưới an toàn tại nhà máy để ngăn nhân công nhảy lầu tự tử.
Foxconn cũng đã cố giải quyết vấn đề bằng cách tăng lương nhân công ở Trung Quốc. Công ty cũng đang lên kế hoạch thay thế nhân công bằng robot, và được cho là sẽ tiến tới sử dụng 1 triệu robot trong vòng 3 năm, kể từ mức 10.000 robot hiện nay.
TPK Holdings
TPK Holdings là nhà phân phối tấm cảm ứng lớn nhất thế giới nếu tính về số lượng, với hơn 30 khách hàng tất cả đến từ Mỹ, Nhật và Hàn Quốc. Công ty Đài Loan là nhà cung cấp tấm cảm ứng lớn nhất cho các sản phẩm iPad và iPhone của Apple.
Hơn 70% trong số doanh thu 1,12 tỷ USD của TPK trong quý 2 năm nay đến từ Apple. Doanh số sản phẩm Apple tăng mạnh đã giúp TPK đạt mức lợi nhuận kỉ lục trong quý vừa rồi.
Các nhà phân tích đánh giá cổ phiếu của công ty này là rất có triển vọng, UBS dự báo giá cổ phiéu sẽ tăng 40%.
Quanta Computer
Công ty Quanta Computer của Đài Loan sản xuất dòng máy tính iMac và Macbook cho Apple. Quan hệ của công ty với Apple được thiết lập từ năm 1998 khi Apple cho ra đời máy tính PowerBook thế hệ 2.
Quanta là hãng sản xuất máy tính notebook lớn nhất thế giới, là nhà cung cấp cho những thương hiệu như HP và Gateway. Thực tế, cứ 3 laptop được sản xuất thì có 1 chiếc đến từ Quanta Computer.
Nhưng gần đây công ty cũng đang gặp nhiều áp lực, khi báo cáo tháng 7 cho thấy doanh thu đang sụt giảm hàng tháng. Công ty đã sản xuất 31,9 triệu chiếc máy tính cá nhân trong khoảng thời gian giữa tháng 1 và tháng 7 năm nay.
Mức độ phụ thuộc vào Apple của mỗi công ty là khác nhau, nhưng chúng chịu chung một sợi dây trói – đó là khoản lợi nhuận kếch xù được hưởng nhờ vào thành công liên tiếp và vang dội của Apple.
Phía sau nghiệp kinh doanh thành công của Apple là cả một mạng lưới nhà cung cấp và phân phối. Những công ty này cũng được hưởng lợi từ thành công phi thường của Apple. Một số công ty đã đưa ra những tuyên bố ca ngợi Steve Jobs và bày tỏ niềm tin vào Tim Cook – CEO mới của Apple cùng đội ngũ quản trị của ông.
Intel
Mối quan hệ Intel – Apple bắt đầu từ năm 2005, khi Jobs tuyên bố rằng Apple sẽ bỏ bộ vi xử lý PowerPC của IBM mà hãng đang dùng trong máy tính Macintosh sang bộ vi xử lý do Intel sản xuất. Thế hệ máy tính Mac đầu tiên sử dụng chip Intel ra đời năm 2006.
Các báo cáo cho thấy Apple có thể một lần nữa sẽ “cậy nhờ” Intel trong việc sản xuất chíp xử lý di động cho những thiết bị như iPhone và iPad.
Công ty này đang cố giành thị phần trong lĩnh vực chip không dây tăng trưởng nhanh chóng, vốn từ lâu bị thống trị bởi Qualcomm. Năm ngoái, Intel đã mua lại bộ phận kinh doanh không dây của hãng sản xuất chip Infineon Technologies (Đức) với giá 1,4 tỷ USD. Khách hàng dịch vụ không dây của Infineon gồm có Apple, Samsung Electronics và Nokia.
Samsung Electronics
Samsung là hãng sản xuất chip bộ nhớ lớn nhất thế giới. Đại gia công nghệ Hàn Quốc chuyên cung cấp chip và ổ đĩa flash cho Apple, và có mối quan hệ bất ổn với Apple trong vài năm trở lại đây, trong vai trò vừa là nhà cung cấp vừa là đối thủ cạnh tranh trên thị trường điện thoại thông minh và máy tính bảng.
Hai công ty đã đối đầu được vài năm, khi Apple cáo buộc Samsung nhái lại phần mềm và mẫu thiết kế của iPhone. Đáp lại, Samsung cũng đã đệ đơn kiện ngược lại Apple vì xâm phạm bản quyền.
Hôm thứ Năm, cổ phiếu Samsung tăng nhẹ do dấu hiệu tốt đến từ tòa án Hà Lan và do tin Steve Jobs từ chức.
Bất chấp các vụ kiện tụng, cả hai vẫn đang duy trì liên minh sản xuất và cung ứng với nhau. Các báo cáo cho thấy liên minh của hai hãng trị giá hơn 5 tỷ USD.
Toshiba
Toshiba cung cấp màn hình LCD cho iPhone 3GS, ổ flash cho iPhone 4, và được cho là có liên quan đến cơ chế hiển thị Retina trên iPhone 4.
Công ty đại tổ hợp Nhật bản niêm yết trên 4 sàn chứng khoán trên khắp thế giới, trong đó có cả ở New York và London.
Tháng 12, công ty công bố kế hoạch chi 1,2 tỷ USD để xây nhà máy tại quận Ishikawa của Nhật để chuyên sản xuất màn hình LCD nhỏ có độ phân giải cao, chủ yếu để cung ứng cho sản phẩm iPhone của Apple. Theo tờ Nikkei business daily, Apple cũng sẽ đầu tư vào nhà máy này.
Catcher Technology
Catcher Technology là một trong những hãng sản xuất vỏ bọc magiê và nhôm cho máy tính cá nhân và thiết bị cầm tay hàng đầu Đài Loan.
Catcher Techonology cung cấp vỏ bọc kim loại cho Macbook, và giá cổ phiếu trong của hãng năm vừa rồi đã tăng gần như gấp 3 lần.
Tỷ số P/E của công ty hiện đang là 17, nhờ vào những đơn đặt hàng lớn của Apple. Các tập đoàn tài chính Citigroup, Macquarie, và Bank of America Merrill Lynch đều đã tăng dự báo giá cổ phiếu cho Catcher sau khi công ty này công bố lợi nhuận 82 triệu USD trong quý từ tháng 4 – tháng 6, tăng 24% so với quý đầu tiên năm nay, và 183% so với cùng kì năm 2010.
Wintek
Wintek là hãng sản xuất linh kiện điện tử đặt trụ sở tại Đài Loan, có hoạt động ở cả Trung Quốc và Ấn Độ. Công ty cung cấp màn hình cảm ứng cho sản phẩm iPhone của Apple.
Công ty đã và đang phải đối mặt với áp lực tăng giá. Theo một báo cáo tuần trước của Digitimes, Wintek đã nhận được đơn đặt hàng màn hình cảm ứng từ Apple với mức giá thấp hơn gần 50% so với các đơn hàng trước, mặc dù số lượng tăng đáng kể cho quý 3.
Các nhà phân tích nhận định rằng Apple có thể đang chuẩn bị cho việc giảm giá thường niên trước mỗi lần phát hành sản phẩm mới, và lần này là iPhone 5.
Công ty cũng mới lên báo đầu năm nay sau khi các báo cáo cho thấy công nhân Trung Quốc đã bị nhiễm độc tố từ hóa chất trong khi sản xuất màn hình. Công ty cũng từng phải trả khoảng 1,5 triệu USD cho 91 công nhân bị nhiễm độc năm 2009.
Các nhân viên đã viết một lá thư cho Jobs kêu gọi giúp đỡ sau vụ ngộ độc, và một đại diện của Apple đã đến thăm nhà máy và lắng nghe yêu cầu của nhân viên ở đây. Apple đã yêu cầu Wintek ngừng sử dụng hóa chất độc hại, N-hexane, và cung cấp bằng chứng chứng thực rằng những hóa chất này đã bị loại bỏ khỏi dây chuyền sản xuất của hãng.