Vật thể này nằm tại khu vực Chernobyl, Ukraine, là hệ quả của một trong những vụ rò rỉ phóng xạ kinh hoàng nhất trong lịch sử. Vật thể này có hình dạng giống một chiếc chân khổng lồ nên được gọi với cái tên "Bàn chân voi".
Tờ Daily Mail gọi "Bàn chân voi" là "vật nguy hiểm nhất thế giới", tới mức chỉ cần nhìn vào vật thể này cũng có thể gây mất mạng.
Các nhà khoa học dự đoán dù trải qua hàng trăm năm nữa, nếu thiếu những thiết bị bảo hộ con người cũng không thể đến gần "Bàn chân voi".
"Bàn chân voi" xuất hiện thế nào?
Ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại Ukraine gặp phải sự cố khiến nhiệt độ trong lõi phản ứng tăng đến mức không thể kiểm soát. Nước làm mát bơm vào lập tức bốc hơi. Do áp suất quá lớn, lò phản ứng cuối cùng nổ tung, gây ra thảm họa hạt nhân Chernobyl. Khi các đội cứu hộ có mặt để ngăn chặn bức xạ, họ phát hiện ra "vật thể nguy hiểm nhất thế giới".
Theo các nhà khoa học, "vật thể nguy hiểm nhất thế giới" là một hỗn hợp phức tạp có nồng độ phóng xạ cực cao được tạo ra do lò phản ứng số 4 khi nóng lên đã làm tan chảy thép và bê tông chắn xung quanh, tạo thành "dung nham phóng xạ". Khi nguội đi, thứ này cứng lại thành một vật liệu mới gọi là corium, chính là "Bàn chân voi".
Sự nguy hiểm của "Bàn chân voi"
Năm 1986, "Chân voi" thải ra tới 10.000 rơn-ghen mỗi giờ (một đơn vị đo lường bức xạ) - liều lượng gấp 1.000 lần mức có thể gây ung thư, tương đương với 4,5 triệu tia X mà con người vẫn dùng trong quá trình chụp X-quang.
Nếu con người tiếp xúc với vật này trong 30 giây, sẽ bị chóng mặt và mệt mỏi trong ít nhất một tuần. Tiếp xúc trong 2 phút, các tế bào sẽ bắt đầu xuất huyết. Con người sẽ gặp tình trạng nôn mửa, tiêu chảy và sốt nếu tiếp xúc 4 phút. Và chỉ cần sau 5 phút ở gần, người tiếp xúc gần như vô phương cứu chữa, qua đời trong vòng 2 ngày.
Artur Korneyev, phó giám đốc của dự án Shelter Object là người có cơ hội được tiếp xúc với chân voi nhiều nhất. Ông là chuyên gia nhiều kinh nghiệm và đã mang theo đồ bảo hộ nghiêm ngặt khi tiếp xúc. Một bài viết được đăng tải năm 2021 tiết lộ ông Artur vẫn còn sống, đang ở Ukraine.
Sau gần 4 thập kỷ, "Bàn chân voi" đang dần nguội đi nhưng giới khoa học vẫn cảnh báo về độ nguy hiểm vật thể này.
Năm 2016, nhằm hạn chế việc rò rỉ phóng xạ ra bên ngoài, một kết cấu gồm bê tông và thép với tên gọi "Nhà giam an toàn" đã được đặt phía trên "Bàn chân voi". Do corium mới xuất hiện vỏn vẹn 5 lần trong lịch sử, rất hiếm nên không ai dám chắc "Bàn chân voi" sẽ thay đổi thế nào trong tương lai.