Trận lụt thảm khốc trên sao Hỏa trong quá khứ có thể chỉ ra dấu vết của sự sống

Theo kế hoạch, tàu thăm dò Perseverance của NASA sẽ hạ cánh xuống miệng núi lửa Gale trên bề mặt sao Hỏa vào đầu năm tới, với sứ mệnh tìm kiếm bằng chứng về sự sống cổ đại ở khu vực được đánh giá là cực kỳ giàu tiềm năng này. Chúng ta đều biết rằng sao Hỏa đã từng có rất nhiều nước lỏng trên bề mặt, và sự hiện diện của nước lỏng chính là dấu hiệu rõ ràng cho thấy hành tinh này có thể đã từng là nơi thích hợp cho sự sống.

Một nghiên cứu mới được NASA công bố gần đây đã phát hiện ra rằng miệng núi lửa Gale là nơi đã từng xảy ra một sự kiện "megaflood" - một trận lụt thảm khốc có cường độ cao, tần suất thấp liên quan đến việc xả một lượng lớn nước - diễn ra vào thời cổ đại. Sự kiện thảm họa này được cho là xuất phát từ sự sụp đổ đột ngột của các tảng băng hoặc sông băng trên quy mô lớn. Do đó, việc thu thập và nghiên cứu kỹ lưỡng các mẫu vật chất ở khu vực này sẽ giúp cung cấp thêm bằng chứng về khả năng hỗ trợ sự sống của sao Hỏa.

Theo dữ liệu được thu thập bởi robot thám hiểm Curiosity hiện đang làm nhiệm vụ trên sao Hỏa, những trận lụt khổng lồ đã cuốn qua miệng núi lửa Gale khoảng 4 tỷ năm trước. Robot đã tìm thấy dấu hiệu của các cấu trúc gợn sâu trong đá sao Hỏa, được gọi là megarit, cao 30 feet và cách nhau 450 feet. Chúng tương tự như các cấu trúc đã từng được tìm thấy trên Trái đất, gây ra bởi sự tan chảy của băng diễn ra khoảng 2 triệu năm trước.

Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên bằng chứng về các loài siêu trùng xoắn được quan sát thấy trên sao Hỏa. Ngay cả những nghiên cứu trước đây đã từng sử dụng một lượng lớn dữ liệu từ các tàu quỹ đạo cũng không phát hiện được bất cứ dấu vết nào.

Ảnh mô phỏng núi Sharp bên trong miệng núi lửa Gale trên sao Hỏa
Ảnh mô phỏng núi Sharp bên trong miệng núi lửa Gale trên sao Hỏa

Các nhà nghiên cứu tin rằng những trận lũ lụt khổng lồ có thể đã bắt đầu xảy ra khi Hành tinh Đỏ bị tác động bởi một thiên thạch có kích thước tương đối lớn. Sức nóng của thiên thạch khiến một lượng băng khổng lồ trên hành tinh này tan chảy, làm giải phóng carbon dioxide và methane. Luồng khí này đột ngột “bơm” vào bầu khí quyển đã làm cho sao Hỏa trở nên ấm và ẩm ướt hơn đáng kể trong một thời gian ngắn. Sau đó, những cơn mưa xối xả trên diện rộng trút xuống bề mặt hành tinh và gây ra lũ lụt trên phạm vi lớn.

Sao Hỏa thời kỳ đầu là một hành tinh hoạt động rất tích cực về mặt địa chất. Nó sở hữu đầy đủ các điều kiện cần thiết để hỗ trợ sự hiện diện của nước lỏng trên bề mặt - tương tự như trên Trái đất, nơi có nước, có sự sống. Vì vậy, quan điểm cho rằng sao Hỏa ban đầu là một hành tinh có thể sinh sống được là hoàn toàn hợp lý. Câu hỏi đặt ra là sự sống đó đã từng tồn tại và phát triển như thế nào trước khi diệt vong.

Thứ Hai, 30/11/2020 23:34
4,52 👨 609
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ