Các nhà thiên văn học đứng sau hệ thống Kính viễn vọng Không gian Hubble của NASA/ESA vừa tiếp tục đóng góp vào kho tàng kiến thức thiên văn của con người một phát hiện mới vô cùng giá trị, đó là một bức ảnh tuyệt đẹp của thiên hà xoắn ốc mới mẻ có tên UGC 12588.
UGC 12588 là một thiên hà chưa được biết đến nhiều, và nằm ở khoảng cách vô cùng xa so với Trái đất - lên tới 31 triệu năm ánh sáng và thuộc chòm sao Tiên nữ (Andromeda).
Còn được gọi là IRAS 23223 + 4104 hoặc LEDA 71368, thiên hà này nằm trong một cụm các thiên hà có tên “Local Group”, một tập hợp khổng lồ chứa hơn 50 thiên hà khác nhau, trong đó bao gồm cả Dải Ngân hà và Andromeda. Nói cách khác, tùy nằm cách Trái đất tới 31 triệu năm ánh sáng, nhưng UGC 12588 vẫn được coi là “hàng xóm” của Dải Ngân hà của chúng ta.
Bức ảnh chụp bởi Hubble cho thấy diện mạo gần như hoàn hảo của UGC 12588, trong đó chứa đựng đầy đủ những yếu tố điển hình cấu thành một thiên hà xoắn ốc cổ điển, với sự pha trộn tuyệt vời của các mảng khí phát sáng, các luồng bụi tối, lõi sáng và các “cánh tay” xoay tròn, xoáy vào nhau… tất cả đã tạo nên một bức ảnh tuyệt đẹp, mô tả sống động sự kỳ vĩ và huyền bí của vũ trụ.
Tuy nhiên, không giống như nhiều thiên hà xoắn ốc khác đã từng được biết đến, các cánh tay khổng lồ chứa hàng tỷ ngôi sao và luồng bụi khí của UGC 12588 tương đối mờ nhạt, đến mức rất khó để phân biệt cụ thể và quấn chặt quanh tâm của nó. Điều này khiến UGC 12588 có phần “bụ bẫm” hơn so với những người anh em khác trong cụm Local Group.
Các cánh tay xoắn của UGC 12588 mờ nhạt hơn hẳn so với nhiều thiên hà xoắn ốc khác
“Cái nhìn rõ ràng nhất về các cánh tay xoắn ốc đến từ những ngôi sao màu xanh lấp lánh rải rác xung quanh các cạnh của thiên hà, làm nổi bật những khu vực nhiều khả năng là vùng hình thành sao mới”, các nhà khoa học nhận định. “Sở dĩ khu vực hình thành sao sáng hơn vùng đĩa xung quanh bởi vì có các ngôi sao trẻ, nóng loại OB nằm trong những nhánh xoắn ốc này”.
Cùng với các thiên hà vô định hình, thiên hà xoắn ốc chiếm xấp xỉ 60% số thiên hà trong vũ trụ gần xung quanh chúng ta. Chúng hầu hết được tìm thấy trong những vùng có mật độ thấp và rất hiếm gặp tại trung tâm của các cụm thiên hà.