Một nghiên cứu mới đây được công bố vào ngày 8/7 trên tạp chí Nature chỉ ra rằng pin lithium được sử dụng trong các thiết bị hàng ngày và lưu trữ năng lượng tái tạo có thể phát thải nhiều hóa chất hơn trong môi trường, làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm đất và nguồn nước.
Pin lithium-ion có thể là nguồn phát thải "hóa chất vĩnh cửu" - một thuật ngữ ám chỉ sự xuất hiện của hàng nghìn loại chất polyfluoroalkyl (PFAS) khác nhau.
Trong nhiều thập kỷ, “hóa chất vĩnh cửu” đã được sử dụng giúp mang lại khả năng chống nước, bụi bẩn và nhiệt tốt hơn cho các thiết bị. Gần đây, bis-perfluoroalkyl sulfonimid (bis-FASIs), một phân nhóm cụ thể của PFAS đã được sử dụng làm chất điện phân và kết dính trong pin lithium.
Xung quanh các cơ sở sản xuất pin trên toàn cầu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra các bis-FASIs đang xuất hiện nhiều hơn trong đất, trầm tích, nước và tuyết. Họ cũng tìm thấy bis-FASIs trong chất lỏng rò rỉ từ bãi chôn lấp pin.
Pin lithium từ lúc được tạo ra cho đến khi bị phân hủy hoàn toàn là một tác nhân tiềm ẩn gây ô nhiễm hóa học trường tồn.
Hiện chưa có quy định dành riêng cho xử lý loại hóa chất này. PFAS đang được sử dụng trong nhiều vật dụng, từ chảo chống dính, bao bì thực phẩm, chất bảo vệ vải đến chỉ nha khoa nên tác hại đến môi trường cũng như sức khỏe con người của chúng đang bị đánh giá thấp.
Pin lithium ngày càng được ưa chuộng hơn đối với ngành xe điện và năng lượng sạch. Các tác giả nghiên cứu đã phát hiện ra bis-FASI trong 11 loại pin khi thử nghiệm 17 loại pin khác nhau được sử dụng trong máy tính xách tay, điện thoại thông minh, máy tính bảng, xe điện.
Nghiên cứu này nhằm thu hút sự chú ý đến hóa chất PFAS, có thể dễ dàng được tìm thấy trong môi trường nhưng thường bị bỏ quên, và quan trọng là đã nâng cao nhận thức về những tác động trong vòng đời của pin lithium.