Pin mặt trời được coi là vũ khí giúp giảm thải carbon nhưng do chỉ có tuổi thọ 25 năm nên đặt ra vấn đề lớn về rác thải và tái chế.
Tiến sĩ Rong Deng, chuyên gia về tái chế pin mặt trời tại Đại học New South Wales cho biết, trên thế giới hiện có hơn 1 terawatt điện mặt trời và có khoảng 2,5 tỷ tấm pin.
Theo chính phủ Anh, nước này có hàng chục triệu tấm pin mặt trời nhưng lại thiếu cơ sở hạ tầng chuyên dụng để loại bỏ và tái chế chúng.
Các chuyên gia năng lượng lo lắng rằng, loại thiết bị này sẽ gây ra nguy cơ thảm họa môi trường toàn cầu. Họ đang kêu gọi chính phủ hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn nguy cơ này.
Tính đến năm 2021, công suất sản xuất điện mặt trời của thế giới đã tăng 22%. Mỗi tháng, ở Anh có khoảng 13.000 tấm pin mặt trời được lắp đặt, chủ yếu là trên mái nhà của các hộ gia đình. Theo xu hướng tăng trưởng này, khối lượng pin mặt trời phế thải trong tương lai sẽ rất lớn.
Các chuyên gia hy vọng, khi nhà máy đầu tiên trên thế giới hướng đến tái chế hoàn toàn pin mặt trời chính thức mở cửa tại Pháp vào cuối tháng 6 sẽ giúp mở ra hướng giải quyết quan trọng. Nhà máy này thuộc công ty ROSI, có thể tách chiết và tái sử dụng 99% các bộ phận của một tấm pin, từ mặt kính, khung nhôm cho tới bạc và đồng, thường nằm trong số những vật liệu khó tách chiết nhất.
Các nhà khoa học cũng đang cố gắng phát triển công nghệ tái chế pin mặt trời nhưng đến nay ROSI là công ty duy nhất trong lĩnh vực tái chế pin mặt trời mở rộng quy mô hoạt động lên mức công nghiệp.
Thêm vào đó, công nghệ tái chế này rất đắt nên nhiều nhà nhập khẩu hoặc nhà sản xuất phụ trách xử lý pin mặt trời ở châu Âu thích nghiền vụn chúng hơn vì cách này rẻ hơn nhiều.