Có khoảng gần 2.700 ngôn ngữ với hơn 7000 tiếng địa khác nhau được sử dụng trên thế giới. Mỗi ngôn ngữ có độ khó riêng. Nếu xếp hạng về mức độ khó học thì tiếng Pirarra, thổ ngữ của bộ lạc nguyên thủy sống ở khu vực Amazon chắc chắn đứng đầu bảng. Hãy cùng tìm hiểu xem vì sao ngôn ngữ này lại "khó nhằn" tới vậy nhé.
Tiếng Pirarra không có chữ viết, chỉ sử dụng 3 nguyên âm và 8 phụ âm nhưng rất nhiều âm thanh cụ thể trong ngôn ngữ này đã mang nghĩa trọn vẹn như 1 từ. Bên cạnh đó, khác với các ngôn ngữ phương Tây phổ biến chia động từ thành các thì tương lai và quá khứ, động từ trong tiếng pirarra có thể có tới 65.000 cách biến thể và phối hợp với nhau.
Đặc biệt, tiếng Pirarra dùng cả việc hát, huýt sáo và nhiều cách diễn đạt khác để giao tiếp. Những người thổ dân của bộ lạc này còn dựa trên các âm thanh trầm, có độ vang xa để giao tiếp trong rừng rậm và dưới các cơn mưa nhiệt đới.
Trong tiếng Pirarra, các trọng âm giữ vai trò rất quan trọng, đôi khi các từ đối nghĩa như "bạn bè" hay "kẻ thù" chỉ khác nhau trọng âm mà thôi, theo giáo sư ngôn ngữ học Rolf Theil, người đứng đầu công trình nghiên cứu cho biết.
Theo các nhà ngôn ngữ học, tiếng Pirarra cực kỳ phức tạp và có hệ thống phát âm rất đặc biệt, một người "nước ngoài" có trí nhớ trung bình cần tới 10 năm học mới có thể giao tiếp cơ bản bằng ngôn ngữ này.
Hiện nay, bộ lạc nguyên thủy sử dụng tiếng Pirarra chỉ còn khoảng 350 người sinh sống ven dòng sông Maicí, khu vực rừng Amazon thuộc Brazil.