Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA/ESA vừa tiếp tục cho thấy tầm quan trọng của mình trong lĩnh vực thiên văn học khi mang về cho nhân loại bức ảnh “độc nhất vô nhị”, đó là một màn trình diễn ánh sáng tuyệt vời của vũ trụ - vụ nổ siêu tân tinh cực lớn, tạo ra nguồn ánh sáng khổng lồ, khiến mọi ngôi sao khác trong thiên hà của nó trở nên “lu mờ”.
Siêu tân tinh (hay còn gọi là supernova) là một vụ nổ khổng lồ cuối cùng đánh dấu sự hủy diệt của một ngôi sao, xảy ra trong giai đoạn cuối của quá trình tiến hóa sao ở các sao khối lượng lớn, tạo ngôi sao "mới" với nguồn ánh sáng mãnh liệt, trước khi dần phai mờ trong vòng vài tuần đến vài tháng.
Hubble đã quan sát ngôi sao này trong suốt một năm dòng, chứng kiến nó bùng cháy với ánh hào quang tương đương 5 tỷ mặt trời cộng lại trước khi tắt dần. Sự kiện này cung cấp dữ liệu hiếm hoi liên quan đến toàn bộ quy trình siêu tân tinh, qua đó giúp các nhà thiên văn đưa ra những phép đo chính xác hơn về khoảng cách từ Trái đất đến các thiên hà xa xôi.
Được biết đến với tên gọi SN2018gv, siêu tân tinh này lần đầu tiên được phát hiện vào giữa tháng 1 năm 2018 tại khu vực rìa của thiên hà xoắn ốc nổi tiếng NGC 2525, nằm cách Trái đất khoảng 70 triệu năm ánh sáng. Đây là một siêu tân tinh “type Ia”, có nghĩa là nó bắt nguồn từ một ngôi sao lùn trắng nhị phân đang hút vật chất từ ngôi sao đồng hành của mình.
Sau khi sở hữu lượng vật chất tương đương với khối lượng khoảng 1,44 lần Mặt trời của chúng ta, ngôi sao sẽ trở nên đủ nóng để đốt cháy phản ứng tổng hợp cacbon và kích hoạt quá trình nhiệt hạch. Điều này dẫn đến một vụ nổ dữ dội có thể phóng ra vật chất với vận tốc bằng 6% tốc độ ánh sáng, và tạo ra luồng sáng cực đại gấp 5 tỷ lần Mặt trời.
Các kỹ thuật thiên văn tiên tiến hiện nay có thể giúp các nhà khoa học xác định tương đối chính xác lượng ánh sáng mà một siêu tân tinh type Ia tạo ra, vì vậy họ có thể sử dụng chúng như một "nguồn sáng tiêu chuẩn" để đo khoảng cách. Bằng cách so sánh lý thuyết với cường độ sáng quan sát được, các nhà khoa học có thể tính toán chính xác khoảng cách từ Trái đất tới siêu tân tinh và thiên hà chứa nó.
Khi được quan sát ở giai đoạn mãnh liệt nhất, siêu tân tinh SN2018gv tỏa sáng rực rỡ hơn bất kỳ ngôi sao nào khác trong thiên hà NGC 2525. Tuy nhiên, nó cũng nhanh chóng mờ đi khi nguyên liệu cho phản ứng nhiệt hạch cạn kiệt. Theo ước tính, lượng năng lượng mà siêu tân tinh này giải phóng trong vài ngày tương đương với mức năng lượng mà Mặt trời của chúng ta tạo ra trong vài tỷ năm.