Astroscale Japan Inc, công ty Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực dọn dẹp rác thải không gian vừa chia sẻ một hình ảnh rất đáng chú ý - bức ảnh đầu tiên về một mảnh rác vũ trụ ở khoảng cách cực gần.
Bức ảnh được chụp từ khoảng cách chỉ 50 mét bởi hệ thống camera của vệ tinh Astroscale-Japan (ADRAS-J) trong sứ mệnh Active Debris Removal của công ty. Chủ thể của bức ảnh là một mảnh rác vũ trụ lớn có kích thước 11m x 4m. Đây vốn là tầng trên của tên lửa H-IIA Nhật Bản, đã bay vòng quanh Trái đất từ năm 2009 trên quỹ đạo Trái đất thấp.
Khi ADRAS-J đến vị trí cách mảnh vỡ vài dặm, nhóm nghiên cứu đã triển khai một camera hồng ngoại sử dụng thuật toán điều hướng để có cách tiếp cận an toàn. Vào tháng 5, ADRAS-J đã đến cách bãi rác khoảng 50 mét, đến mức nó có thể chụp được hình ảnh chi tiết về vật thể. ADRAS-J giờ đây sẽ cố gắng di chuyển đến gần các mảnh vỡ hơn nữa để chụp thêm những hình ảnh chi tiết hơn.
Cơ quan vũ trụ Nhật Bản đã chọn công ty Astroscale cho chương trình loại bỏ rác vũ trụ (CRD2), và ADRAS-J là một phần của sáng kiến này. Nghiên cứu cận cảnh một mảnh rác vũ trụ cho phép Astroscale hiểu đầy đủ về tình trạng và chuyển động của vật thể trước khi phá bỏ nó. Dữ liệu thu thập được sẽ cho phép các nhà khoa học triển khai một sứ mệnh khác trong tương lai, thực hiện cách tiếp cận an toàn, “tóm lấy” vật thể bằng cánh tay robot và đưa nó ra khỏi quỹ đạo, nơi nó sẽ bốc cháy trong bầu khí quyển Trái đất.
Các mảnh vụn không gian trên quỹ đạo Trái đất thấp không chỉ là những bộ phận tên lửa cũ, mà còn bao gồm các vệ tinh đã ngừng hoạt động, và thậm chí cả mảnh vỡ do va chạm giữa các bộ phận này. NASA cho biết có hàng triệu mảnh rác vũ trụ đang quay quanh Trái đất với tốc độ 18.000 dặm/giờ, gây nguy hiểm trực tiếp cho những vệ tinh đang hoạt động, cũng như môi trường sống của con người trên Trạm vũ trụ quốc tế và trạm vũ trụ mới của Trung Quốc.
Hàng loạt nỗ lực quốc tế đã được tiến hành trong nhiều năm qua để tìm cách loại bỏ các mảnh vỡ một cách an toàn và hiệu quả, với tổng khối lượng ước tính lên tới gần 6.000 tấn.