'Hội chứng bỏ quên trẻ trong ô tô', đừng chủ quan, những bậc cha mẹ chu đáo nhất cũng có thể mắc phải

Năm 2017, nhờ vào lời chứng chuyên môn của một nhà khoa học một người mẹ bỏ quên con mình đến chết trong ô tô đã được tòa án ở Australia tuyên miễn trách nhiệm hình sự. Nhà khoa học đã đưa ra những bằng chứng và lập luận thuyết phục với thẩm phán rằng, ai cũng có thể vô tình bỏ quên một đứa trẻ trên xe trong tình huống đó,cho dù là những bậc cha mẹ có trách nhiệm và chu đáo nhất.

Vì vậy, ĐỪNG BAO GIỜ CHỦ QUAN!

Giáo sư David Diamond, chuyên gia hàng đầu về khoa học nhận thức và thần kinh học tại Đại học Nam Florida, Hoa Kỳ, cho biết, bất kỳ ai, trong một hoàn cảnh nào đó, đều có thể có khả năng để quên một đứa trẻ trong ô tô.

Đó là lý do tại sao trung bình ở Mỹ, mỗi năm có tới 37 trường hợp trẻ tử vong vì bị bỏ quên trong ô tô. Ở Trung Quốc có khoản 4-5 trường hợp, ở Israel, đó là 3-4 trường hợp và Australia là 2-3 trường hợp. Những thống kê này chỉ là phần nổi của tảng băng.

Bỏ quên trẻ trong xe

Scott Phillips, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Kidsafe (An toàn cho trẻ em) cho biết, nếu tính cả các trường hợp trẻ em được giải cứu kịp thời khỏi những chiếc xe ô tô bị khóa kín con số có thể lên tới hơn 5.000, và đó mới là con số tính riêng cho nước Úc.

Sự phổ biến thường thấy của kiểu tai nạn này đã khiến các nhà khoa học phải đặt ra một cái tên riêng dành cho nó là "Forgotten baby syndrome" hay "Hội chứng bỏ quên trẻ trong ô tô".

Giáo sư Diamond cho biết, trong phần lớn các trường hợp bỏ quên con trong xe ô tô không phải là hành động thiếu quan tâm hoặc cẩu thả của các bậc cha mẹ.

Giáo sư Diamond đưa ra giả thuyết xoay quanh 2 khái niệm: Một là "trí nhớ thói quen" và hai là "trí nhớ tương lai".

Trí nhớ thói quen là thứ giúp bạn thực hiện các nhiệm vụ lặp đi lặp lại hàng ngày như nhớ đường từ nhà tới công ty, lái xe từ công ty về nhà của bạn, móc điện thoại ra khỏi túi, vô thức ấn mật khẩu, nhớ vị trí của ứng dụng Facebook... Trí nhớ này giúp chúng ta làm được nhiều công việc theo chuỗi, trong vô thức, mà không cần tiêu tốn nhiều năng lượng.

Trí nhớ thói quen được xử lý tại vùng hạch nền, nơi quản lý các hành động vô thức.

Trí nhớ tương lai liên quan đến các công việc mà bạn lên kế hoạch sẽ làm trong tương lai như đón con sau khi tan làm thay vợ, mua đồ trên đường đi làm về… Loại trí nhớ này giúp chúng ta làm những công việc đã được lập kế hoạch và đầu tư năng lượng cho nó.

Trí nhớ tương lai nằm ở vùng hồi hải mã, nơi lưu trữ thông tin và vùng vỏ não trước trán, rất quan trọng với việc lập kế hoạch.

Khi não bộ ở trạng thái minh mẫn nhất, hai loại hình trí nhớ này hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau. Nhưng trong nhiều trường hợp, trí nhớ thói quen có thể ghi đè lên trí nhớ tương lai. Đây chính là nguyên nhân gây ra những thảm họa trẻ em bị bỏ quên trong ô tô.

Ai cũng có thể bị đãng trí

Trí nhớ thói quen là một tiện ích tuyệt vời nhưng nó có thể thao túng hành vi của chúng ta và chặn các phần não khác có nhiệm vụ nhắc nhở chúng ta về những thông tin bổ sung.

Hãy lấy ví dụ về một trường hợp cụ thể:

Một hôm, bạn vô tình đánh vỡ chiếc cốc yêu quý của mình ở công ty. Lúc đó, bạn dự định rằng trên đường về nhà sẽ rẽ qua siêu thị để mua một chiếc cốc mới. Đây là lúc mà vùng hồi hải mã và vỏ não trước trán của bạn được kích hoạt để chạy chương trình cho trí nhớ tương lai.

Thế nhưng sau khi tan làm bạn đã đi thẳng về nhà và quên mất việc phải rẽ qua siêu thị mua cốc. Đây là lúc vùng hạch nền kích hoạt trí nhớ thói quen của bạn và nó đã ghi đè lên trí nhớ tương lai.

Đến ngày hôm sau đi làm, bạn mới nhớ ra là chiều qua mình đã quên không vào siêu thị mua cốc.

Những tình huống tương tự xảy ra khá nhiều trong cuộc sống và thường được mọi người gọi đó là đãng trí. Nhưng giáo sư Diamond nhấn mạnh sự đãng trí này đôi khi có thể tạo ra thảm họa như cảnh sát bỏ quên súng đã nạp đạn trong nhà vệ sinh công cộng, phi công quên thao tác trong khi bay, bác sĩ để quên dụng cụ phẫu thuật trong người bệnh nhân, và như chúng ta đã thấy: Cha mẹ bỏ quên con trong xe ô tô.

Các nghiên cứu trong suốt 20 năm của ông chỉ ra hiệu ứng ghi đè của hệ thống trí nhớ dễ xảy ra trong một số tình huống như các bậc cha mẹ đang gặp căng thẳng, hay khi họ có việc đột xuất nào đó khiến thói quen thường ngày bị thay đổi.

Ví dụ, trong gia đình thông thường một đứa trẻ được bố đưa đi học. Nhưng một hôm, người bố có việc bận nên mẹ sẽ là người đưa trẻ đi học. Người mẹ mặc dù đã tận tay đưa con mình lên ô tô nhưng lại bị nhiễu loạn bởi một yếu tố nhiễu loạn nào đó trong quá trình di chuyển như một cuộc điện thoại từ công ty hoặc một tai nạn trên đường, có thể sẽ khiến não bộ người mẹ chuyển từ chế độ trí nhớ tương lai về chế độ trí nhớ thói quen.

Người mẹ lái xe một mạch từ nhà tới công ty trong vô thức, và quên mất rằng phải đưa đứa con đang ngủ gục ở góc khuất của hàng ghế sau đến trường. Lúc này, nếu may mắn, một tín hiệu nào đó như việc nhìn thấy chiếc balo của trẻ, trí nhớ tương lai của người mẹ sẽ quay lại.

Nhưng nếu không có bất kỳ điều gì đủ mạnh để dập tắt trí nhớ thói quen, người mẹ sẽ ra khỏi xe mà quên mất rằng con mình còn ở trong xe và thảm họa sau đó sẽ xảy ra khi đứa trẻ bị nhốt một mình trong xe.

Làm thế nào để phòng tránh?

Theo giáo sư Diamond, để tránh những thảm kịch này xảy ra bước đầu tiên là chúng ta, mỗi người cha, người mẹ và người chăm sóc trẻ cần hiểu rằng trí nhớ con người có thể có những sai lầm chết người. Vì vậy, không bao giờ được chủ quan, ngay cả với những người có trách nhiệm và chu đáo nhất.

Sau đó, một số chiến lược dưới đây có thể sẽ giúp ích:

1. Thiết lập các quy trình đảm bảo sự an toàn cho trẻ bằng các cách khác nhau như luôn thông báo cho nhà trẻ biết khi nào con họ sẽ đi trễ hoặc vắng mặt và nhà trẻ cũng cam kết thông báo cho phụ huynh nếu trẻ không tới lớp đúng giờ hoặc không có mặt như thường lệ; cài đặt lời nhắc trên điện thoại của vợ hoặc chồng, để đảm bảo rằng họ đã đưa con tới lớp.

2. Tự tạo ra những lời nhắc trực quan bằng cách đặt đồ của trẻ như tã, áo khoác, gấu bông, đồ chơi hoặc mũ của trẻ ở hàng ghế phía trước hoặc taplo xe để luôn nhắc nhở về sự hiện diện của trẻ trong xe

3. Buộc mình phải kiểm tra hàng ghế sau bằng cách để hộp cơm, ba lô ở hàng ghế sau để buộc bạn phải xuống đó kiểm tra mỗi lần đưa đón trẻ.

4. Luôn khóa xe và để chìa khóa xe ở xa tầm tay trẻ nhỏ.

5. Không bao giờ để trẻ một mình trong xe trong bất kỳ hoàn cảnh nào vì bạn có thể bị đãng trí và rơi vào hội chứng bỏ quên trẻ bất cứ lúc nào.

Thứ Sáu, 31/05/2024 14:10
32 👨 108
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khám phá khoa học