Các loài động vật ăn đêm đang dần biến mất, nguyên nhân do đâu?

Trên hành tinh, có hàng trăm ngàn loài động vật chủ yếu hoạt động vào ban đêm và ngủ vào ban ngày để giảm nguy cơ bị ăn thịt, hoặc do nhiệt độ ban ngày quá nóng và sự cạnh tranh của các loài động vật khác, chúng được gọi là động vật ăn đêm. Hầu hết loài động vật sống về đêm thường dựa vào ánh sáng từ mặt trăng và vị trí của các ngôi sao để để tìm kiếm thức ăn, nơi ở hoặc bạn tình trong bóng tối, và vấn đề ô nhiễm ánh sáng nhân tạo do hoạt động sống của con người thực sự là vấn đề lớn tác động trực tiếp đến sự tồn vong của các loài này.

Ô nhiễm ánh sáng là gì?

Theo định nghĩa khoa học, ô nhiễm ánh sáng là một dạng ô nhiễm môi trường, xảy ra khi ánh sáng nhân tạo lấn át ánh sáng tự nhiên vào ban đêm, gây cảm giác khó chịu. Nói cách khác, đây là hiện tượng xảy ra khi con người tạo ra lượng ánh sáng quá mức. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng có hại với sức khỏe, che mờ ánh sáng của các ngôi sao, ảnh hưởng đến việc quan sát thiên văn, lãng phí năng lượng và làm rối loạn cuộc sống của các loài động vật hoang dã, phá hủy sự cân bằng sinh thái.

Theo các thống kê gần đây, có khoảng 80% dân số toàn cầu hiện đang sống ở những nơi bị ô nhiễm bởi ánh sáng nhân tạo. 1/3 nhân loại không còn có thể nhìn thấy Dải Ngân hà - thiên hà chứa hệ mặt trời của chúng ta. Khi nói đến phương diện sức khỏe, ô nhiễm ánh sáng vào ban đêm có liên quan đến rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, béo phì và thậm chí một số loại ung thư.

Ô nhiễm ánh sáng cản trở khả năng quan sát không gian
Ô nhiễm ánh sáng cản trở khả năng quan sát không gian

Thế nhưng những tác động từ ô nhiễm ánh sáng đến con người vẫn chưa là gì khi so sánh với các loài ăn đêm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đa số động vật ăn đêm cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng nhân tạo, chúng sẽ thay đổi hành vi của mình ngay cả khi chỉ có sự xáo trộn nhỏ về mức độ ánh sáng ban đêm, và thường là theo chiều hướng tiêu cực.

Chẳng hạn, bọ hung sẽ gần như mất phương hướng hoàn toàn khi bay qua các khu vực ô nhiễm ánh sáng khiến chúng không thể nhìn thấy bầu trời sao. Ngoài ra, ánh sáng nhân tạo cũng có thể thay đổi cách thức các loài ăn đêm tương tác với nhau. Những loài côn trùng như bướm đêm dễ bị dơi ăn thịt hơn bởi ánh sáng nhân tạo làm giảm khả năng nhận diện kẻ thù của chúng.

Ánh sáng nhân tạo có thể khiến động vật ăn đêm như bướm đêm bị nhầm lẫn và mất phương hướng.
Ánh sáng nhân tạo có thể khiến động vật ăn đêm như bướm đêm bị nhầm lẫn và mất phương hướng.

Đáng chú ý, ô nhiễm ánh sáng không chỉ có tác động đến các loài trên cạn mà còn cả với một số loài sống dưới nước. Ví dụ, ánh sáng nhân tạo từ các đô thị ven biển, lối đi dạo, tàu thuyền hay bến cảng... gây gián đoạn hoạt động sinh sản của cá hề, khiến một số loài cá bị thu hút và trở thành con mồi cho những loài khác.

Khi ánh sáng đèn đường phát ra tỏa lên cao, nó sẽ bị phân tán trong bầu khí quyển và phản xạ trở lại mặt đất. Bất cứ ai ở vùng nông thôn vào ban đêm đều sẽ nhận thấy hiệu ứng này, đó là những vùng sáng rực rỡ ở bầu trời phía trên một thành phố hoặc thị trấn xa xôi. Dạng ô nhiễm ánh sáng này được gọi là ánh sáng bầu trời nhân tạo. Nó mờ hơn khoảng 100 lần so với ánh sáng trực tiếp, nhưng lại cực kỳ phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sống của một số loài kiếm ăn trên không vào ban đêm như chim, bướm, dơi…

Ánh sáng bầu trời nhân tạo
Ánh sáng bầu trời nhân tạo

Việc sử dụng mặt trăng và các vì sao làm la bàn là một đặc điểm chung của nhiều loại động vật biển và đất liền, bao gồm giáp xác bờ biển, hải cẩu, chim, bò sát, lưỡng cư và côn trùng, do đó hiện tượng ô nhiễm ảnh sáng khiến hoạt động sống của các loài này ngày càng bị xáo trộn, gây suy giảm số lượng và từ đó làm mất cân bằng hệ sinh thái.

Đã có những bằng chứng cho thấy Trái đất đang ngày càng sáng hơn vào ban đêm. Từ năm 2012 đến năm 2016, các nhà khoa học phát hiện ra rằng các khu vực ngoài trời được chiếu sáng nhân tạo trên Trái đất tăng 2,2% mỗi năm.

Trong tương lai, các nhà khoa học sẽ cần đẩy mạnh triển khai các nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ việc ô nhiễm ánh sáng đang ảnh hưởng đến hệ sinh sinh thái cả trên cạn lẫn dưới nước như thế nào, bằng cách tập trung vào cách thức hiện tượng này tác động đến sự phát triển của các loài động vật, sự tương tác giữa các loài và thậm chí cả những tác động ở cấp độ phân tử. Chỉ khi hiểu được ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng đến cuộc sống về đêm như thế nào, chúng ta mới có thể tìm ra cách phương án xử lý phù hợp nhất.

Thứ Tư, 19/08/2020 08:46
52 👨 1.365
0 Bình luận
Sắp xếp theo