Facebook công bố kết quả chương trình "Thử thách phát hiện Deepfake"

Tháng 9 năm ngoái, Facebook đã công bố một chương trình nhận được rất nhiều sự quan tâm trong giới công nghệ, đặt biệt là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) có tên gọi “Thử thách phát hiện Deepfake” (Deepfake Detection Challenge) nhằm mục đích tìm ra các công cụ phát hiện deepfake hiệu quả, giúp chống lại mối đe dọa ngày càng lớn về vấn nạn thông tin sai lệch xuất phát từ phát minh công nghệ “lợi bất cập hại” này.

Cuộc thi đã chính thức được khởi động vào ngày 11/12/2019, với bộ dữ liệu kiểm tra bao gồm 115.000 video deepfake được chọn lọc kỹ lưỡng để đánh giá mức độ hiệu quả của các công cụ dự thi. Đã có tổng cộng 2.114 đơn vị đăng ký dự thi, với 35.000 mô hình phát hiện deepfake được đưa vào thử nghiệm, và tổng giải thưởng lên tới 10 triệu USD.

Deepfake Detection Challenge

Sau 6 tháng tranh tài, danh tính của người chiến thắng cũng đã được tiết lộ. Đó là hệ thống “máy dò deepfake” được phát triển bởi Selim Seferbekov, một kỹ sư học máy (machine learning) đến từ Mapbox. Mô hình phát hiện deepfake của Selim Seferbekov đã đạt được độ chính xác trung bình lên tới 65,18% trên bộ dữ liệu thử nghiệm bao gồm 10.000 video deepfake được thiết kế vô cùng tinh vi. Còn đối với các bộ dữ liệu công khai kém tinh xảo hơn, độ chính xác của mô hình có thể chạm ngưỡng 82,56%.

“Mức độ chuẩn xác trong việc xác định nội dung deepfake được thể hiện bởi mô hình học máy của Seferbekov hiện là "một tiêu chuẩn mới góp phần giúp cộng đồng AI tiếp tục phát triển các mô hình hiệu quả hơn nhằm đáp ứng nhiệm vụ khó khăn và quan trọng này", Facebook cho biết.

CEO Mark Zuckerberg cũng không quên gửi lời cảm ơn tất cả các cá nhân, tổ chức đã đăng ký tham gia thử thách này, nhấn mạnh rằng nỗ lực hợp tác là con đường duy nhất để tạo ra một khuôn khổ mạnh mẽ trong nhiệm vụ phát hiện và đẩy lùi vấn nạn deepfake trên internet.

Deepfake đang trở thành vấn nạn khi nói tới vấn đề phát tán tin giả và đặc biệt nó lại càng nguy hiểm với khả năng chia sẽ dễ dàng trên một mạng xã hội có quy mô khổng lồ như Facebook. Theo cảnh báo của các chuyên gia, deepfake đang phát triển nhanh chóng và chỉ vài năm nữa, nó sẽ khiến các video giả mạo cực kỳ dễ làm và xuất hiện tràn lan. Do đó, các chương trình như Thử thách phát hiện Deepfake là rất cần thiết để tìm ra những công cụ hữu hiệu ngăn chặn vấn nạn này.

Thứ Năm, 25/06/2020 23:43
31 👨 385
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Trí tuệ nhân tạo (AI)