Hiệu suất của CPU big.LITTLE x86 sẽ tăng đáng kể trên Windows 11?

Sau khi ISO Windows 11 cho bản build 21996.1 bị rò rỉ tràn lan trên internet vài ngày qua, lập tức đã có vô số kết quả đánh giá, thử nghiệm thực tế được đưa ra liên quan đến trải nghiệm cũng như khả năng tương thích phần cứng của nền tảng hệ điều hành đang nhận được cực nhiều sự quan tâm này.

Trong số đó, có một thử nghiệm rất đáng chú ý được thực hiện bởi trang tin công nghệ nổi tiếng Hot Hardware. Mục đích của các chuyên gia ở thử nghiệm này là tìm kiếm những thay đổi đã được Microsoft thực hiện (nếu có) đối với bộ lập lịch (scheduler) của Windows 11, cũng như việc hệ điều hành này sẽ tương thích tốt như thế nào với các CPU Big-Bigger Alder Lake sắp tới của Intel. Trên thực tế, bộ vi xử lý Ryzen thế hệ tiếp theo của AMD cũng được cho là sẽ có kiểu thiết kế kiến trúc “hybrid big.LITTLE”. Do đó, đây sẽ là một khía cạnh rất quan trọng, có thể trực tiếp tác động đến trải nghiệm người dùng nói chung.

Về phần cứng, thiết bị được sử dụng trong thử nghiệm là Samsung Galaxy Book S chạy CPU Lakefield Core i7-L16G7. Đối với phần mềm, các chuyên gia đã tiến hành so sánh hai phiên bản: Windows 11 build 21996.1 và bản cập nhật 21H1 mới nhất dành cho Windows 10 - nhằm kiểm tra sự khác biệt về hiệu suất cũng như khả năng tương thích phần cứng cụ thể của phiên bản hệ điều hành mới.

Kết quả cho thấy chỉ có nâng cấp nhỏ, mang tính cục bộ về hiệu suất tùy thuộc vào từng khối lượng công việc cụ thể. Tuy nhiên, dường như đã có một sự cải thiện rõ rệt về hiệu suất trình duyệt, cụ thể như sau.

Hiệu suất trình duyệt

Kết quả đánh giá Geekbench, với nhiều thử nghiệm ngắn liên tục khác nhau, cho thấy mức tăng vừa phải trong hiệu suất đa luồng (MT) và sự cải thiện không thực sự đáng kể trong thử nghiệm đơn luồng (ST):

Geekbench

Trong thử nghiệm kiểm tra hiệu suất hiển thị Cinema 4D với CInebench. Kết quả cho thấy mức tăng khá khiêm tốn của Windows 11 so với Windows 10 khi tất cả các lõi CPU đều được tải đầy đủ. Tuy nhiên, sự cải thiện được ghi nhận rõ ràng hơn trong tải đơn luôn, bởi các tác vụ liên tục “nhảy” xung quanh giữa các lõi và bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi dữ liệu đầu vào của scheduler.

CInebench

Một khối lượng công việc liên quan đến đồ họa khác cũng đã được thử nghiệm dưới dạng 3DMark Night Raid, một công cụ đánh giá benchmark DirectX 12 nhẹ. Đáng chú ý, đây là bài kiểm tra duy nhất cho thấy hiệu suất thấp hơn (không đáng kể) của Windows 11 so với Windows 10.

3DMark Night Raid

Cuối cùng, PCMark 10 đã được sử dụng để kiểm tra hiệu suất của cả CPU và GPU cùng lúc, cũng như mô phỏng một kịch bản sử dụng thực tế của PC. Kết quả cho thấy Windows 11 đều cho hiệu suất tốt hơn ở mọi phương diện, trên cùng một thiết lập phần cứng.

PCMark 10

Hiện tại, vẫn còn quá sớm để đưa ra bất cứ khẳng định nào về hiệu suất của Windows 11. Tuy nhiên, những thử nghiệm thực tế nêu trên cho thấy chúng ta có lý do để mong chờ sự xuất hiện của một phiên bản Windows toàn diện hơn.

Thứ Hai, 28/06/2021 09:58
3,73 👨 473
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ