Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook có nhiều bạn chia sẻ rầm rộ một bức hình một chiếc điều hòa, được lắp trên tường và chia cho hai phòng cùng sử dụng, thay vì phải lắp đặt mỗi phòng một chiếc điều hòa. Và việc lắp đặt hai trong một này được cho là tiết kiệm hiệu quả cho những ai có nhu cầu sử dụng điều hòa trong mùa hè này. Thế nhưng việc lắp đặt này liệu có thực sự tiết kiệm và hiệu quả? Để làm rõ vấn đề này chúng ta cùng đi tìm câu trả lời ngay bây giờ nhé!
Đầu tiên chúng ta cần quan tâm đến công suất của điều hòa
Như bình thường, nếu chúng ta lắp đặt điều hòa cho một căn phòng bé, thì chúng ta cũng chỉ cần một chiếc điều hòa công suất nhỏ cũng có thể làm mát được căn phòng. Và ngược lại, nếu dùng cho 2 căn phòng thì diện tích sẽ gấp đôi thì chúng ta lại phải mua chiếc điều hòa với công suất lớn thì mới có thể làm mát được cả 2 căn phòng cùng lúc. Như vậy thì mới đảm bảo khả năng làm mát và tiết kiệm điện cho cả hai phòng.
Làm một phép tính đơn giản để xem 2 phòng 1 điều hòa tiết kiệm hơn hay 2 phòng 2 điều hòa sẽ có lợi hơn nhé!
Ví dụ: 1 phòng có thể tích là 30 m3 (mét khối), thì chúng ta chỉ cần lắp đặt chiếc điều hòa có công suất làm lạnh là 9.000 BTU để sử dụng là vừa đủ làm mát cho căn phòng. Còn nếu lắp đặt cho hai phòng thì thể tích sẽ gấp đôi là 60 m3, lúc này để có thể làm mát được cho cả hai căn phòng thì cần sử dụng điều hòa có công suất làm lạnh từ 18.000 BTU trở lên để lắp đặt thì mới có thể làm mát được cho cả hai phòng. Nếu lắp điều hòa công suất nhỏ hơn thì không những không đủ làm mát cho cả hai phòng mà còn khiến gia đình chúng ta rất tốn điện.
Tiếp theo về giá cả của những chiếc điều hòa này cũng có giá dao động khá chênh lệch nhau. Với điều hòa công suất 9.000 BTU có giá rẻ hơn, dao động từ 5-10 triệu đồng. Còn đối với những chiếc điều hòa có công suất từ 18.000 BTU trở lên lại có giá từ 10-25 triệu đồng.
Thứ hai, chúng ta sẽ nói về thiết kế của chiếc điều hòa
Hầu hết các nhà sản xuất đều khuyến khích người sử dụng nên lắp điều hòa ở chính giữa căn phòng để có thể làm mát nhanh và hiệu quả nhất. Khi chúng ta lắp giữa phòng, luồng gió mát từ điều hòa sẽ dễ dàng lan tỏa khắp phòng và chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận được luồng không khí mát từ điều hòa. Còn nếu chia đôi điều hòa sang hai phòng thì bạn cũng biết rồi đó, khi điều hòa được lắp đặt ở hai phòng thì không bao giờ điều hòa được lắp chính giữa, điều này làm cho bạn cảm thấy lâu mát hơn và quá trình làm mát sẽ chậm hơn và đồng nghĩa gia đình chúng ta sẽ tốn nhiều tiền điện hơn.
Hầu hết các cục lạnh của điều hòa thường có dạng dùng cánh quạt để có thể thổi luồng không khí mát từ dàn lạnh ra bên ngoài. Quạt này sẽ không kéo dài đến toàn bộ cục nóng như cánh cửa gió điều hòa mở ra, nếu các bạn soi vào bên trong để nhìn thì sẽ thấy độ dài của quạt chỉ bằng 2/3 độ dài của cục lạnh. Do khoảng không gian còn lại là để bộ điều khiển điện tử và động cơ. Như vậy lắp điều hòa chia đôi hai phòng thì phần cánh quạt này sẽ bị cản khá nhiều bởi bức tường ngăn cách giữa 2 phòng dẫn đến lãng phí luồng gió lạnh.
Bên cạnh đó, khi lắp một chiếc điều hòa sang hai phòng, độ chênh lệch cánh quạt và cục lạnh sẽ khác nhau dẫn đến phòng này sẽ mát hơn phòng bên cạnh do nhận được nhiều gió hơn.
Khi lắp chung điều hòa như thế này, còn khiến chúng ta phải phụ thuộc vào nhau. Khi phòng này bật thì phòng kia lại không có nhà để sử dụng, lúc này điều hòa làm lạnh vừa chậm mà lại còn bị lãng phí vì không có người sử dụng. Trong trường hợp này, có lẽ chúng ta phải dùng những chiếc bao tải hoặc thùng xốp để có thể bịt kín lại một đầu bên kia để có thể kéo cục lạnh về hết một bên.
Như vậy, với bài viết và cách giải thích ở trên thì chúng ta cũng đã có câu trả lời cho việc lắp một điều hòa cho hai phòng thực sự là không tiết kiệm một chút nào. Trường hợp bạn chỉ đủ tiền mua được một chiếc điều hòa, thì việc lắp chung sẽ làm mát được cho 2 phòng nhưng bạn sẽ phải trả một số tiền điện không nhỏ do điều hòa phải hoạt động liên tục. Lúc này tiền mua hai chiếc điều hòa để lắp riêng sẽ còn kinh tế hơn so với tiền điện.