Pokémon Go kiếm tiền như thế nào - Mô hình kinh doanh của Pokémon Go

Không nên chỉ coi Pokémon Go như 1 game hit....

Ngay từ trước khi phát hành, Pokémon Go đã nhận được sự săn đón của người chơi trên khắp thế giới. Game trở thành hiện tượng toàn cầu và chỉ khoảng 1 tuần sau khi phát hành, Pokémon Go đã tăng giá cổ phiếu của hãng phát hành - Nintendo - lên tới 50% đồng thời giữ vị trí đứng đầu trên App Store của iPhone và Google Play. Trong tựa game này, người chơi sẽ đi tìm những con Pokémon ảo trong thế giới thật thông qua hệ thống định vị GPS, làm thành bộ sưu tập của riêng mình, cùng với đó là các hoạt động mua Pokémon mới, đưa nhân vật tham gia vào các cuộc chiến trên đấu trường.

Xem thêm: Tổng hợp - Cách chơi Pokemon GO, game thực tế ảo bắt Pokemon trên smartphone

Pokémon Go ra đời như thế nào?

Pokémon Go là sản phẩm kết hợp của Nintendo, NinanticPokémon Company. Nhân vật Pokémon lần đầu xuất hiện là vào những năm 90s trên thiết bị cầm tay Game Boy của hãng Nintendo. Đây cũng là hãng đứng sau biểu tượng của game phiêu lưu ăn nấm Super Mario. Ninantic trước đó nổi tiếng với tựa game Ingress trên Android và iPhone - thử thách người chơi khám phá thế giới xung quanh và tranh giành lãnh thổ. Vào thời điểm đỉnh cao thì Ingress cũng có hàng triệu người chơi trên khắp thế giới. Cuối cùng là Pokémon Company - hãng đồng sở hữu bản quyền nhân vật Pokémon với hãng phát triển game Game Freak, hãng làm đồ chơi Creatures và cả Nintendo.

Pokémon Go lấy tinh thần của người đi trước Ingress khi Ninantic sử dụng nhiều dữ liệu của Ingress và cả những bài học mà họ đã có được từ tựa game này nhằm bảo đảm an toàn cho người chơi. Cùng với đó là khi Google và Pokémon Company bắt đầu hợp tác từ tháng 4 năm 2014. Một tựa game tuy tồn tại ngắn nhưng lan truyền cực nhanh thử thách người chơi tìm Pokémon thông qua ứng dụng Google Maps. Mọi người rất yêu thích và theo như John Hanke - CEO của Pokémon Go ở Ninantic thì Google Maps kết hợp với Pokémon cứ như "sô-cô-la và bơ đậu phộng" vậy. Cùng xem video giới thiệu Pokémon Challenge của Google vào năm 2014 dưới đây - tựa game được coi là nguyên mẫu của Pokémon Go.

Mô hình kinh doanh của Pokémon Go?

Xem thêm: Hiểu về mô hình kinh doanh chỉ trong 2 phút - Business Model Canvas

Mô hình kinh doanh là là 1 cấu trúc vận hành bao gồm nhiều yếu tố cấu thành, từ việc xác định sản phẩm, luồng doanh thu cho tới cơ sở khách hàng, nguồn tài chính. Nhưng nói ngắn gọn thì nó là cách thức mà doanh nghiệp hay sản phẩm của doanh nghiệp kiếm ra tiền. Theo cuốn Busniess Model Generator thì các thành tố cấu thành của 1 mô hình kinh doanh gồm có

  • Customer Segment - phân khúc khách hàng.
  • Value Propositions - tuyên bố giá trị.
  • Channels - các kênh phân phối.
  • Customer Relationships - mối quan hệ với khách hàng.
  • Revenue Streams - luồng doanh thu.
  • Key Resources - các nguồn lực thiết yếu.
  • Key Activites - các hoạt động thiết yếu.
  • Key Partnerships - những đối tác quan trọng.
  • Cost Structure - cấu trúc chi phí.

Nhiều người cho rằng Nintendo nên khai thác game mobile cho sản phẩm sẵn có của mình như Super Mario chẳng hạn để kiếm tiền. Nhưng liệu đó có phải là nguyên nhân thực sự hay không. Nhìn kĩ vào mô hình kinh doanh của Pokémon Go thì ta sẽ thấy thành công chỉ có được vào thời điểm này mà thôi và cũng không thể áp dụng với tất cả các sản phẩm khác của Nintendo. Bên cạnh tuyên bố giá trị, các yếu tố còn lại đều có thể gói gọn trong câu hỏi "sản phẩm kiếm tiền như thế nào hay cách thức tạo ra luồng doanh thu". Vậy nên phân tích mô hình kinh doanh của Pokémon Go sẽ gói gọn trong 2 vấn đề: tuyên bố giá trị (value proposition) và cách kiếm tiền.

Bề ngoài thì tuyên bố giá trị của Pokémon Go có vẻ đơn giản, chỉ là một trò chơi để những fan của nhân vật Pokémon có thể tương tác với nhân vật mà mình yêu thích trên thiết bị di động. Thế nhưng quy mô tiếp cận của các thiết bị di động lớn hơn rất nhiều so với các thiết bị console trước đây. Đó là bởi tính linh hoạt của nó. Ở mức độ sâu hơn thì tuyên bố giá trị của Pokémon Go chính là để người chơi khám phá và trải nghiệm thế giới thực. Chính John Hanke cũng đã nói với Business Insider trong 1 bài phỏng vấn rằng: "Pokémon Go tự nó hướng tới việc trải nghiệm thế giới thực chứ không chỉ là 1 màn hình lớn và cuộc đánh boss tới chết".

Hanke cho biết, xây dựng Pokémon Go, nhóm làm việc ở Ninantic hướng tới 3 mục tiêu.

  • Tập thể dục - có rất nhiều ứng dụng tập thể dục nhưng chỉ khiến bạn cảm thấy mình như "một vận động viên Olympic thất bại". Pokémon Go được thiết kế để khiến bạn phải đứng lên bằng cách hứa hẹn những con Pokémon ngoài đường, thay vì đặt áp lực lên người dùng.
  • Nhìn thế giới với đôi mắt mới - game hướng tới việc mang lại cho người chơi một vài điều mới lạ và thú vị về những khu vực xung quanh mình bằng cách biến các địa điểm lịch sử hay nổi tiếng thành Gyms hay Pokéstops - nơi người chơi chiến đấu. Hanke nói: "bằng cách khuyến khích khám phá, Pokémon Go có thể khiến cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn theo 1 cách nào đó".
  • Kết nối bạn bè - trên khắp thế giới, mọi người tổ chức những buổi gặp gỡ, cùng nhau đi bắt Pokémon hay tấn công các phòng Gyms. Đó là điều mà Hanke mô tả, Pokémon Go chính là một "icebreaker" (từ để chỉ hoạt động làm quen giữa những người xa lạ) và cho mọi người có lý do để dành thời gian bên nhau.

Pokémon Go và Ingress?

Người đồng phát triển Pokémon Go - Niantic Labs cũng đã từng có 1 tựa game tương tự cách đây vài năm mang tên Ingress đã được nhắc tới ở trên. Cơ chế chơi cũng tương tự như Pokémon nhưng giao diện lại xấu hơn. Điều thú vị là Niantic cũng chỉ coi Ingress như một "proof of concept" (POC - tạm dịch là "ý tưởng thử nghiệm" là một chiến lược dữ liệu, lợi dụng mã khai thác để điều tra các giá trị có thể mang tới) để thu hút các nhà phát triển và đối tác tới API của Niantic.

Nói cách khác thì Ninantic đã tạo ra 1 sản phẩm game dựa trên địa điểm dễ nhân bản. Tất nhiên là cùng với khả năng hòa hợp với cơ chế chơi của Pokémon, điều này đã thu hút Nintendo - với tư cách là đối tác và nhà đầu tư. Nền tảng của Niantic tuy không phù hợp với mọi sản phẩm khác nhưng thành công của Pokémon Go chắc chắn cũng thu hút nhiều chủ game. Ví dụ như bạn có thể tưởng tượng một tựa game AR (Augmented Reality) và hành trình tìm kiếm Horcruxes lấy cảm hứng từ Harry Potter chẳng hạn.

Pokémon Go kiếm tiền như thế nào?

Lấy số lượng bù chất lượng

David Gibson - nhà phân tích của công ty chứng khoán Macquarie Capital Secutiries ở Úc - nơi ứng dụng đứng vị trí thứ 2 - cho biết: "Khi người dùng đã sưu tập được bộ Pokémon cho mình thì việc bỏ tiền để ấp, đào tạo, lưu trữ và đưa chúng vào cuộc chiến là việc không thể không làm". Người chơi cần có coin để mua các vật phẩm như PokéBall - dùng để bắt Pokémon, và để nâng cấp cho bộ sưu tập của mình. Có nhiều cách để kiếm coin nhưng nhanh nhất vẫn là trả tiền thật, đặc biệt là khi mức giá chỉ có $0,99 cho 100 PokéCoin.

Hầu hết thì các tựa game miễn phí không dựa vào những nguồn tiền nhỏ như vậy. Như Clash of Clans chẳng hạn, họ thường dựa vào những người chi tiền lớn - hay gọi là "những con cá mập" để bù tiền cho những người chơi hoàn toàn miễn phí không trả gì cả. Nhưng mô hình của của Pokémon Go lại là dựa vào những luồng tiền nhỏ và đó cũng là 1 phần lý do khiến cho Pokémon Go đứng đầu danh sách các ứng dụng miễn phí trên App Store.

Quảng cáo

Không chỉ khiến người chơi chi tiền túi, Pokémon Go còn kéo họ ra đường, khám phá những địa điểm xung quanh. Trong bài phỏng vấn với tờ Financial Times, John Hanke cho biết "khái niệm sponsored location - tài trợ địa điểm - cũng là 1 yếu tố cấu thành mô hình kinh doanh của chúng tôi". Game có thể đưa bạn tới các cửa hàng hay nhiều vị trí khác và đó cũng có thể là con đường đưa người dùng tới những tấm biển quảng cáo chờ sẵn. Các doanh nghiệp có thể trả tiền cho Ninantic để tài trợ cho PokéGym, để địa điểm của họ có Pokémon, thậm chí là những con Pokémon hiếm, từ đó lôi kéo người dùng tới.

Xem thêm: Cách bắt Pokemon dạng hiếm trong Pokemon GO

Hanke cho biết công ty sẽ tính phí bên quảng cáo theo số lượt ghé thăm "cost per visit", cũng như cách tính "pay per click" (tính tiền theo số lượt click) trong quảng cáo của Google. Tất nhiên mô hình kiếm tiền theo địa điểm đã được dùng bởi những công ty khác như Foursquare chẳng hạn, và tính hiệu quả cũng phụ thuộc vào người dùng và sự gắn bó của họ với dịch vụ.

Xem thêm: 7 bài học Marketing giá trị mà Pokemon Go "dạy" cho các marketer

Thứ Năm, 11/08/2016 17:01
31 👨 3.261
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng Công việc