Tại Việt Nam có rất nhiều loại rau thơm hay còn gọi là rau gia vị, để chỉ các loại rau ăn sống được và cũng góp phần làm cho món ăn ngon hơn nhờ vào hương thơm đặc trưng. Không phải ai cũng phân biệt được các loại rau thơm, rau gia vị phổ biến ở Việt Nam hay biết chúng thường được thêm vào món ăn nào.
Hãy cùng xem cách phân biệt các loại rau thơm dưới để bớt hoang mang khi đi chợ nhé.
Rau mùi
Rau mùi có mùi thơm, vị cay và có phần cuống dài.
Rau mùi được sử dụng rộng rãi trong các món ăn từ nước chấm, ăn sống đến cắt nhỏ cho vào các món ăn nấu hoặc xào…
Rau bạc hà
Rau bạc hà có lá mọc đối xứng, viền lá có răng cưa, trên lá có lông tơ mịn. Rau bạc hà có vị và mùi hương the mát.
Rau bạc hà thường được ăn sống, trang trí bánh hoặc nước uống…
Rau húng lủi/húng nhủi/húng đỏ
Húng đỏ có bề ngoài tương tự như rau bạc hà nhưng lá nhỏ hơn, trơn láng và ít nhăn.
Rau húng đỏ không chỉ để ăn sống mà còn được dùng làm gia vị trong các món gỏi, nộm…
Rau húng quế/húng chó
Rau húng quế chó lá thuôn dài, mọc đối xứng hai bên, khi già có hoa nhỏ màu tím. Rau húng quế có vị nóng, cay nên ngoài làm gia vị các món ăn chúng còn được dùng để chữa cảm cúm, nghẹt mũi, nhức đầu.
Rau kinh giới/khương giới/giả tô/bạch tô
Lá rau kinh giới có nhiều gân, cuống ngắn và mép ở răng cưa. Đây là loại rau gia sống không thể thiếu của món bún đậu.
Rau răm
Lá rau răm thuôn dài, đầu nhọn, cuống ngắn và mọc so le. Rau răm có vị cay nhẹ, hơi đắng và thường được dùng trong các món ăn hải sản, trứng vịt lộn hoặc cháo sườn.
Rau ngổ/ngò ôm/ngổ hương/ngổ thơm/ngổ điếc
Lá rau ngổ không có cuống, ôm sát vào thân cây và mép có răng cưa. Rau ngổ thường được dùng trong các món canh cá, cháo lòng, chuối om…
Rau mùi tàu/ngò gai
Rau mùi tàu có lá dài, có viền răng cưa ở rìa lá. Đây là loại rau gia vị không thể thiếu trong các món cay, nhất là canh măng.
Rau tía tô
Lá tía tô có màu tím hoặc xanh tím đặc trưng, có nhiều gân, cuốn ngắn và có răng cưa ở mép. Rau tía tô có thể ăn sống hoặc cho vào canh, lẩu riêu cua…
Rau diếp cá/giấp cá/ngư tinh thảo
Lá rau diếp cá có hình trái tim, phần đầu nhọn, mặt trên có màu xanh thẫm, mặt dưới màu xám hơi ngả tím. Rau diếp cá có mùi tanh, khi ăn có vị bùi, hơi chua, thơm mát.
Rau diếp cá thường dùng để ăn sống kèm bánh xèo, các món gỏi hoặc dùng làm nước ép, sinh tố…
Rau thì là/thìa là
Rau thì lá có lá trông giống như lá kim, không có cuống. Loại rau này là gia vị không thể thiếu trong các món cá từ canh cá, cá sốt cà chua, lẩu cá… bún cá.