Năm ngoái, tôi đã được mời phỏng vấn tại một ngân hàng lớn. Mọi việc diễn tiến theo chiều hướng khá tốt cho đến khi trưởng ban tuyển dụng hỏi tôi rằng: "Anh có thể nói đùa một câu không?"
Tôi đã có thể nói bất cứ câu đùa nào: một câu nói sến sủa, ngờ ngệch về một vấn đề nào đó.... Không vấn đề gì. Tuy nhiên, thay vào đó thì tôi như bị đóng băng, chẳng nói được câu nào cả.
Tôi cũng đã sẵn sàng để đọc liến thoắng một danh sách dài các thành tích, nói về kinh nghiệm làm việc hay tuyên bố đầy tự tin về sự nhiệt tình của tôi cho vị trí đó. Tuy nhiên, tôi đã không chuẩn bị bất cứ điều gì tối thiểu khiến tôi giống với một con người thật.... một con người biết kể chuyện cười!
Tôi cảm tưởng như cơ thể mình đang tan rã trước ánh mắt của những người phỏng vấn và đối tác. Tôi "đóng băng". Tôi chỉ nhìn họ với một khuôn mặt vô cảm rất đáng sợ. Sau một lúc im lặng, họ mỉm cười một cách ngượng ngịu và chuyển sang câu hỏi tiếp theo.
Sau thảm họa đó, tôi tự hỏi tại sao nhà tuyển dụng lại yêu cầu tôi nói đùa. Và khi nhìn lại những gì đã trải nghiệm, tôi đã có câu trả lời rõ ràng nhất: Họ đang tìm kiếm một người tự tin, có trí óc minh mẫn và sáng suốt để đưa ra những quyết định nhanh chóng, hiệu quả ngay cả khi không hề có sự chuẩn bị. Họ cần một người không bao giờ từ bỏ, bất kể áp lực lớn đến mức nào. Chính vì vậy, yêu cầu kể một câu chuyện cười là cách tuyệt vời nhất để xác định liệu rằng tôi (ứng viên được hỏi lúc đó) liệu có đáp ứng đủ tiêu chuẩn của họ.
Tuy nhiên, đáng tiếc là tôi đã thất bại một cách thảm hại trong bài kiểm tra cơ bản đó và tất nhiên, tôi đã không được nhận.
Nếu có một điều kỳ diệu giúp tôi quay trở lại buổi phỏng vấn "kinh hoàng" ấy thì chắc chắn rằng, tôi sẽ không bao giờ quên những kinh nghiệm sau đây trong suốt buổi phỏng vấn. Tất nhiên là điều này sẽ không thể nào xảy ra nên tôi hy vọng chúng sẽ có ích cho bạn.
1. Đừng nghĩ quá nhiều
Hãy coi buổi phỏng vấn thật nhẹ nhàng, đừng quá nghiêm trọng. Rõ ràng, có được cơ hội gặp mặt nhà tuyển dụng là điều tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ quá nhiều thì chúng sẽ trở nên rất khó kiểm soát. Nếu quá căng thẳng về việc phải chứng tỏ mình thật hoàn hảo trong buổi nói chuyện trực tiếp với nhà tuyển dụng thì chính bạn sẽ tự khiến mình rối trí.
2. Hãy trò chuyện một cách thoải mái
Điều này có vẻ khó với những người lần đầu tiên đi phỏng vấn xin việc. Tuy nhiên, hãy đặt mình vào vị trí của nhà tuyển dụng. Họ không tìm kiếm các chú "robot" có thể trở thành những con vẹt để giúp họ làm hài lòng tất cả các khách hàng. Họ tìm kiếm những người đủ thông minh và năng lực để cùng làm việc trong một văn phòng. Do vậy, hãy trình bày những lợi ích mà bạn có thể mang lại cho tổ chức và cố gắng nói một cách tự nhiên nhất.
3. Nếu thất bại thì đó chưa phải là kết thúc
Bị từ chối trong một buổi phỏng vấn là điều rất tồi tệ, đặc biệt là khi bạn đã bỏ lỡ nghề nghiệp trong mơ hay một cơ hội làm việc tuyệt vời. Tuy nhiên, hãy tiếp tục tiến về phía trước và coi đó như là một kinh nghiệm để trong thời gian tới, bạn sẽ nhận được những cơ hội tốt hơn.
Nếu bạn đang trong quá trình xin việc thì hãy rút kinh nghiệm từ tôi là luôn chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ nhất nhé.