Hướng dẫn đường đi, mua đồ lễ, vui chơi khi tới đền Hùng - Phú Thọ

Khu di tích lịch sử Đền Hùng được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, giữa đất Phong Châu, ngày nay là xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Quần thể di tích Đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao 175 mét. Đây là nơi quy tụ những giá trị văn hóa đặc sắc sinh hoạt văn hóa dân gian đặc trưng của vùng Đất Tổ. Hằng năm cứ vào ngày mùng 10 tháng 3, trên khắp cả nước, người dân lại cùng nhau hướng về cội nguồn tưởng nhớ và biết ơn đến công lao của các vị vua Hùng đã có công với đất nước.

Từ lâu Đền Hùng đã trở thành địa điểm du lịch thu hút rất nhiều khách thập phương tới đây bái tổ và thăm quan vùng đất Phú Thọ nơi đây. Để giúp bạn có một chuyến hành trình khám phá đất tổ một cách trọn vẹn nhất thì bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho bạn một vài kinh nghiệm từ đường đi, mua đồ lễ đến vui chơi để chuyến hành trình của bạn thêm phần thú vị.

1. Thời gian phù hợp nhất để đến với đền Hùng

Thời gian phù hợp nhất để đến với đền Hùng

Nơi đây là vùng đất tổ, thờ các vị vua Hùng chính vì vậy bạn có thể đến đây để thắp hương, thăm quan cảnh đẹp và tìm hiểu thêm về lịch sử dụng nước của dân tộc Việt Nam ta bất cứ thời gian nào trong năm. Tuy nhiên vui nhộn nhất và có nhiều điều thú vị nhất đó chính là vào dịp chính hội, ngày 10 tháng 3. Đây cũng chính là thời gian tốt nhất để tới đền Hùng, tuy nhiên vào thời điểm này do lượng du khách đổ về rất đông nên có thể các chi phí du lịch tăng cao cũng như khó có thể tìm được chỗ nghỉ lại ưng ý.

2. Phương tiện di chuyển đến đền Hùng

Đền Hùng nằm trên địa bàn xã Huy Cương, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Đền Hùng cách trung tâm thành phố Việt Trì 7 km về phía Bắc, cách trung tâm Hà Nội khoảng 90km đường rất thuận tiện để đi lại. Vì vậy rất thích hợp cho những gia đình hoặc các bạn trẻ đến thăm quan du lịch. Để đến với Đền Hùng các bạn có thể lựa chọn 2 phương tiện để di chuyển đó là:

Phương tiện di chuyển đến đền Hùng

- Tới Đền Hùng bằng phương tiện cá nhân như xe máy hoặc ô tô riêng

  • Xuất phát từ Hà Nội để tới được Đền Hùng bạn hãy chạy xe theo lộ trình sau: Đi theo quốc lộ 32 qua cầu Trung Hà => khi tới cầu Phong Châu thì tiếp tục đi thẳng là tới đền Hùng.
  • Xuất phát theo quốc lộ 2 qua Vĩnh Phúc thì bạn chạy xe tới cầu Việt Trì => Qua trung tâm thành phố rẽ trái chừng 10km nữa là tới đền Hùng.

- Tới Đền Hùng bằng xe khách, thông tin nhà xe, chuyến xe chạy tuyến Hà Nội – Đền Hùng

Tới Đền Hùng các bạn cũng có thể di chuyển bằng ô tô khách, bạn có thể mua vé xe tuyến Hà Nội - Phú Thọ tại bến xe Mỹ Đình. Hoặc bạn có thể mua vé tại ga Hà Nội, giá vé cũng tuỳ thuộc vào thời điểm và chất lượng xe và có thể giao động từ 50-70 nghìn, vào ngày lễ có thể giá vé sẽ tăng tùy thuộc vào các nhà xe.

3. Chỗ ở, nhà nghỉ cho những ai có nhu cầu ở lại

Khách đi du lịch thăm quan Đền Hùng đa phần là đi lại trong ngày. Nếu bạn muốn ở lại một vài ngày để thăm quan du lịch thêm các địa danh khác ở Phú Thọ thì cũng không cần lo lắng vì ở trung tâm Phú Thọ có nhiều nhà nghỉ và khách sạn để bạn nghỉ ngơi. Khu vực trung tâm Phú Thọ gồm các tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Hùng Vương, Trần Phú ... Đây là những con đường gần trung tâm, sẽ rất thuận tiện cho việc di chuyển. Tuy nhiên các khách sạn ở đây giá khá cao và luôn trong tình trạng hết phòng nên các bạn có thể gọi điện đặt phòng trước nhé!

4. Chuẩn bị đồ lễ khi tới Đền Hùng

Chuẩn bị đồ lễ khi tới đền Hùng

Cũng như tất các lễ hội khác việc dâng lễ nên tùy tâm của mỗi người. Nếu bạn dâng lễ thì tốt nhất bạn nên chuẩn bị từ nhà mang đi để tránh bị "chặt chém" giá. Lễ vật ngoài hai loại bánh mang biểu tượng của ngày giỗ Tổ là bánh chưng, bánh dày không thể thiếu, thì các bạn có thể sắm thêm lễ chay gồm hương hoa, trà, quả, phẩm oản... Hoặc lễ mặn gồm gà, lợn, giò, chả... được làm cẩn thận, nấu chín. Điều quan trọng chính là ở sự chân thành chứ không phải ở cái lễ.

Bánh chưng và bánh giầy là hai món ăn quen thuộc

Nếu không có điều kiện đi lễ Đền Hùng, bạn có thể giỗ Tổ tại nhà bằng cách làm mâm cơm cúng hoặc chỉ cần thắp một nén nhang tại bát hương gia tiên.

5. Các địa điểm thăm quan khi đi du lịch Đền Hùng, Phú Thọ

Nói chung bảng giá vé tham quan tại Đền Hùng cũng rất "mềm" và hầu hết du khách sẽ không bị "chặt chém". Sẽ có một bảng giá cho các dịch vụ cũng như giá chung khi bạn muốn tới lễ hay tham quan khu vực nào đó. Cụ thể như: Giá vé vào bảo tàng 15.000 đ/khách, Vé lên các Đền 10.000 đ/ khách, Giá vé xe điện 50.000 đ/ khách.

- Khu di tích Đền Hùng

Khu di tích Đền Hùng

Đi du lịch Đền Hùng chắc chắn chúng ta cần phải thăm quan khu di tích Đền Hùng đầu tiên. Khu di tích này nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Lịch sử của khu di tích này: Nơi đây được xây dựng từ thế kỉ 15, tương truyền rằng nơi đây là nơi mà người con trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh sống và sau này lên ngôi vua tại đây, lấy hiệu là Hùng Vương và đặt tên nước là Văn Lang.

Khu di tích Đền Hùng là một quần thể kiến trúc thâm nghiêm trên núi Nghĩa Lĩnh. Từ Hà Nội theo quốc lộ số 2 đến thành phố Việt Trì (84km) đi tiếp khoảng 10km đến ngã ba Hàng rẽ về bên trái 3 km là đến khu di tích. Khu di tích lịch sử Đền Hùng gồm có đền Hạ và chùa, đền Giếng, đền Trung, đền Thượng, lăng vua Hùng.

Hiện nay tại Công Quán (nơi để tiếp khách thập phương) có Bảo tàng Hùng Vương được xây dựng tương đối lớn trưng bày nhiều hiện vật thời kỳ Hùng Vương dựng nước qua nền văn hoá thời đại đồ đá, đồ đồng, đồ sắt...

- Đầm Ao Châu

Đầm Ao Châu tọa lạc tại huyện Hạ Hòa, cách thị xã Phú Thọ 50km, cách thành phố Việt Trì 70km.

Nơi đây được ví như một Vịnh Hạ Long trên cạn của vùng đất Phú Thọ. Nơi đây là một địa điểm du lịch hấp dẫn và đầy triển vọng của vùng đất tổ Đền Hùng.

Để đến được với Ao Châu, các bạn có thể di chuyển bằng đường bộ, đường sắt và cũng có thể là đường thủy đều thuận lợi. Theo đường sắt, Ao Châu nằm trên tuyến đường Hà Nội - Lào Cai và tương lai không xa sẽ là trục đường sắt xuyên Á, nối liền các nước trong khu vực với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Theo đường bộ, thắng cảnh này nằm trên trục quốc lộ số 2 – tuyến đường quan trọng nhất nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc. Theo đường thủy, có nhiều con sông lớn chảy qua như sông Hồng, sông Đà, sông Lô...

Khu du lịch Ao Châu có diện tích mặt nước khoảng 2km² và có tới 100 hòn đảo lớn nhỏ được bao phủ một thảm thực vật đa loài dầy đặc và phong phú, đỉnh cao nhất cao tới 177m so với mặt biển, cùng với 99 ngách nước đan cài vào các khe núi. Đáng chú ý là mực nước trong hồ luôn có độ sâu khoảng 3m, có nơi sâu tới 35m và quanh năm không bị cạn. Nhờ vậy, mặt nước Ao Châu trong xanh, không bị ô nhiễm và có nhiều thủy tộc sinh sống: giải, rùa vàng, ba ba... Đặc biệt, nhân dân địa phương còn trồng nhiều loại cây ăn quả như: mít, bưởi, nhãn, vải... khiến cho Ao Châu càng trở nên hấp dẫn.

- Đền Quốc mẫu Âu Cơ

Đền Quốc mẫu Âu Cơ nằm trên núi Ốc Sơn, còn gọi là núi Vặn, cao trên 147m so với mặt biển. Nằm trong khu di tích đền Hùng, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Đền Quốc mẫu Âu Cơ được thiết kế dựa trên nền kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa của thời kỳ Đông Sơn. Đền thờ Mẹ Âu Cơ, người mẹ huyền thoại, linh thiêng, huyền diệu có công đầu trong việc khai hoang, mở cõi của dân tộc.

Đường từ chân núi lên đến cửa đền gồm 553 bậc đá, trên đường đi có nhà đón khách và chỗ dừng chân. Cổng tam quan xây cao 5,8m có ba lối vào, lối chính cao 2,2m, mái cổng lợp dán ngói mũi hài, các đao góc, các hoạ tiết chạm khắc mô phỏng hình chim Lạc. Điểm nhấn của tiền cảnh đền là bia và trụ bia làm bằng đá một mặt khắc chữ nôm, mặt kia khắc chữ quốc ngữ ghi lại thời kỳ xây dựng đền với sự đóng góp công đức của đồng bào cả nước. Tổng thể kiến trúc gồm có nhà Tả vu, nhà Hữu vu, nhà bia, trụ biểu, tứ trụ, cổng tam quan, nhà đón tiếp, nhà hành lễ, sân, vườn, hệ thống đường bậc, bãi quay xe. Đền Quốc mẫu Âu Cơ được hoàn thành đúng vào dịp lễ hội Đền Hùng – Quốc lễ năm 2005.

- Giếng Ngọc

Dân ta thường có câu đến Đền Hùng mà không đến Đền Giếng để soi gương giếng ngọc thì xem như chưa đến Đền Hùng. Bởi vì nơi đây lắng đọng giá trị tinh thần của người Việt, nơi thờ tình yêu của dân tộc Việt Nam. Để đến được với giếng Ngọc, chúng ta cần đi 300 bậc cầu thang. Đương thời hai bà con gái Hùng Vương thứ 18 thường theo cha về Kinh Đô để kinh lý và qua cái giếng này hai bà mới soi gương, chải tóc và triết khăn. Sau này hai bà lại có công dạy nhân dân cấy lúa, trị thủy và sau này lập đền gọi là đền Giếng và Giếng Ngọc. Nơi đây chỉ thờ hai bà con gái chứ không thờ Hùng Vương ở vị trí này.

6. Ẩm thực ở Đền Hùng

Ẩm thực ở Đền Hùng

Nếu bạn xuất phát từ Hà Nội thì nên ăn sáng ở nhà, và hãy mang theo đồ ăn để ăn theo dọc đường và bữa trưa. Sau khi đã chơi hội mọi người có thể về Việt Trì ăn một số đặc sản nơi đây như bánh tai, thịt chua, bưởi Đoan Hùng, trám om kho cá, cọ Cẩm Khê, cá Lăng, rêu đá, rau sắn, xôi nếp gà gáy... và trở về nhà.

Bưởi Đoàn Hùng

Khi đến đây các bạn đừng quên mua những thứ đặc sản quen thuộc của vùng đất Tổ nơi đây để về làm quà cho người thân nhé.

Bánh tai, đặc sản Phú Thọ

Trên đây là những kinh nghiệm mà bạn nên "bỏ túi" khi đi du lịch tại Đền Hùng - Phú Thọ. Hy vọng, với những chia sẻ thú vị trên, du khách sẽ có thêm một số kiến thức bổ ích cho chuyến du lịch "về với Đất Tổ" cùng bạn bè và người thân.

Thứ Tư, 05/04/2017 17:12
31 👨 2.848
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Du lịch