Chỉ số thích nghi (AQ) và chiến lược giúp các nhà lãnh đạo quản trị sự thay đổi

Ngoài IQ và EQ thì AQ cũng là một chỉ số rất quan trọng.

Bài viết được dịch lại từ chia sẻ của tác giả Mattson Newell – giám đốc của Partners In Leadership – công ty chuyên cung cấp dịch vụ đào tạo và tư vấn đào tạo nhằm tìm ra các giải pháp cho các vấn đề liên quan đến thay đổi văn hóa và cải thiện môi trường làm việc.

Gần đây, tôi đã tham dự một cuộc họp và trưởng phòng đối ngoại của một công ty thuộc danh sách Fortune 500 đã nói với tôi rằng: "IQ và EQ quan trọng nhưng điều tôi thực sự cần đó là AQ. Tôi cần những người có thể thích nghi nhanh chóng và làm chủ mọi sự thay đổi".

Câu nói này khiến tôi suy nghĩ – không có nhiều người thảo luận về AQ chứ chưa nói gì đến AQ là gì và tại sao nó lại là kỹ năng có tính quyết định không kém gì chỉ số thông minh (IQ) và chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ).

Chỉ số AQ là gì?

Thay đổi

AQ là viết tắt của từ Adaptability Quotient (chỉ số thích nghi). Chỉ số này ngày càng quan trọng với các nhà lãnh đạo – những người liên tục nói về sự thay đổi không ngừng trong tổ chức của họ và những chuyển đổi trong ngành mà họ đang tham gia.

IQ, EQ và QA có thể được định nghĩa đơn giản như sau:

  • IQ (Intelligence Quotient): Sự thông minh, kiến thức và hiểu biết của một người.
  • EQ (Emotional Quotient): Thấu hiểu cảm xúc và khả năng giúp đỡ bản thân cũng như những người khác vượt qua hoàn cảnh của họ.
  • AQ (Adaptability Quotient): Khả năng thích nghi và duy trì sự lớn mạnh trước sự thay đổi của môi trường.

Rất nhiều tài liệu đã được viết và các nghiên cứu về IQ cũng như EQ. Trong khi đó, AQ là điều mà các nhà lãnh đạo luôn cố gắng hoàn thiện trong khi lại chưa có nhiều hiểu biết sâu sắc.

Andy Grove – người đã tạo nên những thành công cho tập đoàn Intel khi đề cập đến sự thay đổi đã phát biểu rằng:

Mỗi doanh nghiệp sẽ đối mặt với một điểm tới hạn buộc phải thay đổi rất lớn để có thể bước sang một cấp độ khác của sự phát triển. Nếu công ty không thể nhìn thấy và nắm bắt được thời điểm này thì nó sẽ bắt đầu sụt giảm về tăng trưởng. Can đảm là yếu tố cốt lõi.

Tuy nhiên, can đảm để làm gì? THAY ĐỔI! Thay đổi không phải là điều dễ dàng. Nó rất khó và để hiểu rằng cần thay đổi cái gì và khi nào để thay đổi càng khó hơn.

Vậy thì các nhà lãnh đạo phải làm gì để tăng chỉ số AQ của họ?

Chiến lược phát triển chỉ số AQ

Lãnh đạo

Khả năng thích nghi sẽ bắt đầu bằng việc chịu trách nhiệm trước tình huống đó và hiểu được thay đổi là điều cần thiết.

Trong cuốn sách The Oz Principle, các tác giả Roger Connors, Craig Hickman và Tom Smith đã giới thiệu mô hình được biết đến như là "Các bước để chấp nhận trách nhiệm" mà bất kỳ ai cũng có thể áp dụng để cải thiện chỉ số AQ. Mô hình này bao gồm 4 bước: See It, Own It, Slove It và Do It.

1. See it (nhận ra sự thay đổi)

Nhận ra sự thay đổi là điều cần thiết.

Bước này liên quan đến việc đánh giá điều gì khiến sự thay đổi là cần thiết, buộc phải sẵn sàng để thay đổi và kiểm soát nó với một thái độ cởi mở và thẳng thắn.

Để nhận ra sự thay đổi, bạn buộc phải đón nhận các góc nhìn của những người khác bằng cách đặt câu hỏi về tình huống cũng như yêu cầu họ đưa ra các phản hồi tích cực và có tính xây dựng về cách mà bạn dự định sẽ đối phó với sự thay đổi.

Góc nhìn và insight (sự thật ngầm hiểu, hay nói chính xác hơn ở đây là sự nhìn thấu vào bản chất của sự thay đổi) có thể không phải là điều bạn muốn nghe. Tuy nhiên, toàn tâm toàn ý lắng nghe những điều "khó chấp nhận nhất" là điều rất quan trọng giúp bạn hiểu được cần linh hoạt trong việc thích nghi trước thay đổi như thế nào và bằng cách nào để sự thay đổi đó tạo ra hiệu quả.

2. Own It (Làm chủ sự thay đổi)

Hãy làm chủ tình huống.

Lẽ tự nhiên là nhiều người có xu hướng kháng cự trước sự thay đổi nhưng cách nhìn nhận này có thể khiến bạn thất bại khi sự thay đổi là cần thiết để có thể chiến thắng hoặc sống sót.

Bắt buộc bạn phải chịu trách nhiệm trước toàn bộ sự thay đổi có tính cấp bách đó. Đồng thời, hiểu rõ thực tế là bạn đang đối đầu với cả thách thức lẫn thất bại nhưng đừng bao giờ mất tầm nhìn về mục tiêu trong khi điều chỉnh chiến lược và kế hoạch theo sự thay đổi đó.

Bạn buộc phải hành động theo nguyên tắc là tất cả mọi người đã tham gia đều phải chịu trách nhiệm cùng nhau để tạo ra được kết quả tốt nhất bất kể từng cá nhân được nắm giữ trọng trách nhiều hay ít.

3. Solve It (Xử lý sự thay đổi)

Phát triển kế hoạch hành động.

Thích nghi

Khi nhận dạng được các giải pháp khả thi để khiến cho quá trình thích nghi được dễ dàng hơn thì bạn cần tiếp tục đặt ra câu hỏi: "Tôi (chúng ta) cần làm gì khác?"

Về bản chất, bạn sẽ tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi này tại đúng thời điểm sự thay đổi diễn ra. Nó sẽ phá vỡ những cách truyền tải thông tin thông thường giữa các đội nhóm, giúp các thành viên đột phá hơn với nhiều giải pháp cải tiến và giúp bạn đánh giá được liệu rằng rủi ro sẽ ở mức độ nào.

Khi đặt ra câu hỏi này, điều quan trọng mà bạn cần hiểu đó là "làm gì khác" ở đây thường ám chỉ việc "nghĩ khác biệt" chứ không phải là "làm nhiều hơn nữa".

4. Do It (Tiến hành sự thay đổi)

Thực thi quá trình thay đổi.

Bước cuối cùng đó là thực thi, bám sát kế hoạch hành động và theo dõi quá trình triển khai của các thành viên trong đội.

Trong toàn bộ quá trình này, lòng tin sẽ được xây dựng. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây đó chính là bạn thực sự phải tin tưởng rằng các thành viên khác sẽ tạo ra kết quả tốt. Thành công đến từ sự chân thành, minh bạch và không đổ lỗi.

Bền vững hơn trước sự thay đổi

Có một thứ luôn xảy ra liên tục trong cuộc sống và kinh doanh đó chính là sự thay đổi. Để cải thiện chỉ số AQ của mình, bạn cần chịu trách nhiệm và đóng góp công sức cho tổ chức không chỉ trong việc xử lý sự thay đổi mà còn giúp các thành viên trở nên vững chãi hơn trước sự thay đổi. Bởi lẽ, không phải mọi sự thay đổi nào cũng yêu cầu bạn phải chuyển đổi theo nó. Khi chưa đúng thời điểm thì sự bền vững mới là điều quan trọng.

Thứ Ba, 02/08/2016 13:30
31 👨 1.370
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng Công việc