Câu chuyện có thật của một CEO “nghèo vượt khó” và 6 bài học quý giá cho những ai muốn khởi nghiệp

Cuộc đời của Tomas Gorny - câu chuyện có thật về một con người "một bước lên tiên" chỉ bằng tinh thần vượt khó sẽ là nguồn cảm hứng mạnh mẽ dành cho bất cứ ai đang nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp.

Vào những năm 90, Tomas Gorny từ Ba Lan sang Mỹ khi anh mới chỉ 20 tuổi. Gần như không nói được bất kỳ từ tiếng Anh nào nên trong vài năm đầu tại quốc gia này, Gorny đã phải làm việc bán thời gian tại một công ty cung cấp dịch vụ đậu xe cho khách và lau chùi các tấm thảm.

Và bây giờ, Tomas Gorny đã trở thành một doanh nhân thành công, điều hành 3 công ty khác nhau, bao gồm Nextiva - một dịch vụ tổng đài ảo đang trên đà phát triển với mục tiêu đạt được 100 triệu USD doanh thu trong năm nay. Hai công ty start-up còn lại đã được bán, trong đó có Endurance International - được mua bởi Warburg Pincus Goldman Sachs với giá gần 1 tỷ USD.

Trong một chia sẻ với Tạp chí Business Insider, Tomas Gorny nói rằng "những thứ mà tôi đã học được cho đến nay là những thứ đã kích thích tôi làm điều mà tôi đang làm hiện tại".

Tomas Gorny

Từ chỗ là triệu phú 22 tuổi đến phá sản

Từ lúc còn rất trẻ, Gorny luôn mong muốn được điều hành một công ty do chính mình xây dựng nên. Năm 17 tuổi, anh mở một dịch vụ phân phối máy tính tại Châu Âu và khi chuyển sang Mỹ, Gorny làm việc cho một công ty cung cấp dịch vụ Web Hosting có tên Internet Communications trong vai trò là một thành viên sáng lập.

Trong suốt thời gian tại công ty này, Gorny nói rằng anh đã phải làm rất nhiều công việc bán thời gian để kiếm tiền cho các khoản phí thuê xe và thuê nhà. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau đó, Internet Communications đã được mua lại bởi công ty đại chúng Interliant, giúp Gorny thu về được khoản tiền rất lớn và trở thành triệu phú khi mới chỉ 22 tuổi.

Khi đã có tiền, Gorny bắt đầu đầu tư vào các công ty khác để tăng thêm giá trị. Điều bất ngờ là sự suy sụp của các công ty Internet (sự kiện dotcom) vào năm 2000 kéo theo đó là vụ khủng bố diễn ra vào ngày 11/09/2001 đã ngốn gần hết số tài sản mà anh kiếm được. Cuối cùng, Gorny chỉ còn lại một chiếc xe hơi và chưa đầy 10.000 USD trong tài khoản ngân hàng. Vợ của anh cũng bắt đầu làm một công việc theo giờ để trang trải chi phí sinh hoạt.

"Tôi đã đặt ra các mục tiêu với số tiền mà tôi có và đó là một sai lầm. Mọi thứ gần như sụp đổ".

Vực dậy từ đống đổ nát

CEO Nextiva

Gonry vẫn say mê với kỹ thuật và đã có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực web-hosting. Đây chính là nền tảng để anh bắt đầu một start-up mới có tên IPOWER hướng vào các doanh nghiệp nhỏ vào cuối năm 2011. Vì tập trung cung cấp dịch vụ giá rẻ và dễ dàng khi chạy các trang web nên IPOWER nhanh chóng phát triển.

"Ngay sau khi thất bại vào năm 2001, tôi bắt đầu xây dựng lại các công ty. Đó là điều duy nhất tôi biết cách làm".

Đến năm 2007, IPOWER trở thành một trong những công ty cung cấp dịch vụ web-hosting lớn nhất tại Mỹ và sáp nhập với Endurance International. Sau đó 4 năm, Endurance International được bán cho Warburg PincusGoldman Sachs với giá gần 1 tỷ USD. Gorny trở thành một trong những cổ đông cá nhân lớn nhất tại thời điểm đó.

Hiện tại, Gorny trở thành một người đàn ông thành đạt và giàu có. Anh đã mở 3 công ty kể từ khi Endurance được bán, bao gồm Nextiva, United Wed (vườn "tự ươm" dành cho các startup) và Stite Lock (công ty cung cấp dịch vụ bảo mật web). Cả ba doanh nghiệp này đều do Gorny điều hành và hoàn toàn không có bất kỳ nhà đầu tư ngoài nào khác.

"Tôi tin rằng tôi có một câu chuyện thú vị. Nhưng tôi cảm thấy vẫn chưa hoàn thành bất cứ thứ gì nếu so với những thứ mà công ty của tôi sẽ làm được trong tương lai".

6 bài học từ câu chuyện thành công của Tomas Gorny

Với tất cả những thăng trầm đã trải qua, Gorny chia sẻ rằng những bài học mà anh rút ra được hy vọng có thể giúp ích cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các start-up.

Bài học kinh doanh

Đừng nghĩ đến một "chiến lược lối thoát" (Exit Strategy)

Bạn không nên thành lập một doanh nghiệp với mục tiêu là bán nó. Thay vì thế, hãy tập trung tạo ra giá trị thực sự. Điều này không có nghĩa bạn không nên nghĩ tới việc bán nó vào một thời điểm nào đó trong tương lai, nhưng ý của tôi muốn nhấn mạnh là không nên coi đó là mục tiêu cốt lõi trong chiến lược kinh doanh của bạn. "Khi tôi mất toàn bộ số tiền tôi có vào năm 2001, tôi hoàn toàn loại bỏ mọi suy nghĩ hướng đến giá trị ròng. Thành công của một doanh nghiệp thực sự nằm ở giá trị mà nó mang đến".

Hãy vui vẻ khi bị đánh giá thấp

Gorny bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ khi còn rất trẻ và có chất giọng nặng của vùng Đông Âu khiến anh không được nhiều người coi trọng. Anh chia sẻ rằng hãy kinh doanh bằng lợi thế của mình và bạn hoàn toàn có thể chứng minh cho người khác thấy khả năng của bạn. "Khi bị đánh giá thấp, bạn có rất nhiều lợi thế và bằng cách nào đó, chúng sẽ là nguồn sức mạnh để bạn sử dụng làm đòn bẩy".

Hãy làm việc với những người phù hợp

Khi điều hành một doanh nghiệp, bạn có quá nhiều thứ phải bận tâm. Thế nên, đừng lãng phí thời gian để bị stress bởi những người mà bạn không thích. "Tôi chỉ đối mặt với căng thẳng trong kinh doanh" và không hề muốn bị phân tâm bởi những mối quan hệ không đáng có khác.

Cách đầu tư tốt nhất là hãy tự đầu tư

Trải qua những thất bại lớn khi đầu tư vào các doanh nghiệp start-up khác vào năm 2000, Gorny nói rằng anh gần như trở thành một con người "bảo thủ" khi đầu tư vào các tài sản khác. Thay vào đó, anh dành nhiều thời gian để tìm cách tự đầu tư. Đó là lý do tại sao hiện tại, không có một công ty nào của anh có sự góp vốn của các nhà đầu tư khác.

Luôn có rủi ro khi có nhà đầu tư ngoài

Không có nhà đầu tư bên ngoài nghĩa là Gorny bỏ rất nhiều vốn riêng để điều hành doanh nghiệp. Gorny tin rằng điều này giúp anh ra các quyết định tốt hơn vì được làm chủ đồng tiền của mình. "Tôi ra quyết định thận trọng hơn vì tôi muốn hạn chế tối đa các sai sót".

Thất bại là bài học quý giá

Để có được những thành công như ngày hôm nay, Gorny đã phải đối mặt với rất nhiều thất bại. Và anh tin rằng, thất bại dạy cho anh nhiều bài học nhất, đó là lý do tại sao anh không bao giờ vui sướng vì chiến thắng quá lâu. "Bạn có thể nhìn lại và phân tích để không lặp lại lỗi lầm. Điều này dễ hơn rất nhiều so với việc mổ xẻ thành công và tìm ra đâu là điểm cần cải tiến".

Thứ Hai, 06/06/2016 16:15
31 👨 1.346
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng Công việc