Không một ai thích nói thẳng với sếp rằng: "Hãy thăng chức cho em". Tự ứng cử mình rõ ràng khó hơn rất nhiều so với việc được đề cử bởi những người khác. Tin tốt là, nếu ông chủ của bạn để ý và những gì bạn làm tạo ra hiệu ứng tích cực lâu dài hoặc có thành tích rõ rệt thì có lẽ bạn không cần phải nói trực tiếp với sếp đâu. 99% khả năng bạn sẽ được thăng tiến không sớm thì muộn.
Chắc chắn ai cũng biết làm tốt nhiệm vụ của mình là cách hiệu quả nhất để thể hiện với ông chủ rằng bạn đã sẵn sàng với nhiều trách nhiệm hơn nữa (tuy nhiên, việc trình bày với sếp cũng rất quan trọng, bởi vì nếu bỏ qua bước này, bạn sẽ trải qua một thời gian rất khó khăn thì mới chính thức được thăng thức). Lý tưởng nhất là bạn nên hoàn thành công việc hiện tại vượt ngoài mong đợi của lãnh đạo và duy trì phong độ này. Cụ thể ở đây là hãy làm tốt nhiệm vụ, cố gắng đạt hiệu quả cao nhất có thể và nỗ lực kết thúc trước hạn chót (deadline).
Một khi bạn duy trì được hiệu quả công việc như vậy thì hãy tiếp tục lập ra một kế hoạch với 5 bước sau để đảm bảo cơ hội được thăng tiến chắc chắn hơn nữa.
1. Liên tục làm việc với kết quả vượt trên cả yêu cầu
Vượt quá những kỳ vọng chỉ là bước khởi đầu. Bạn cũng nên tìm kiếm các cách để tăng thêm giá trị mà bạn có thể đóng góp cho dự án/công việc mà nằm ngoài những nhiệm vụ thực tế mà bạn được giao. Hãy nhớ rằng làm những thứ mà không một ai có thời gian hoặc sẵn sàng làm một cách hiệu quả sẽ là bí quyết giúp bạn tỏa sáng.
Câu chuyện có thật: Nels là một nhân viên sales theo khu vực. Anh thường xuyên đạt chỉ tiêu và hoàn thành tất cả các báo cáo cần thiết. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu khách hàng của cả Team rất cũ, thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác, cần được cập nhật nhưng người quản trị lại gặp khó khăn trong việc nâng cấp cả hệ thống. Chính điều này đã khiến Nels phân vân rằng liệu anh có nên tự nâng cấp và cập nhật một file dữ liệu riêng hay không. Nói là làm. Nels đã hoàn thành quá trình này mà không một thành viên nào trong đội biết cả. Sau đó, anh chia sẻ file khách hàng của mình cho người quản trị và tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ của mình.
6 tháng sau, một điều vô cùng bất ngờ đã xảy ra, Nels được thăng chức. Tuy nhiên, sự kiện này thực tế chẳng có gì đáng ngạc nhiên với nhà quản lý cả. Ông nói rằng đã quan sát rất nhiều và để ý Nels luôn là người khởi đầu cho các sáng kiến, sẵn sàng làm thêm việc ngoài giờ, đồng thời luôn tin tưởng vào đồng nghiệp. Nels chính là hình mẫu mà tổ chức luôn "săn lùng" để đảm nhận các vị trí quan trọng.
2. Luôn khao khát sự phát triển, chứ không phải chỉ là vị trí
Sếp của bạn sẽ vô cùng ấn tượng với khả năng và hoài bão của bạn, chứ không phải là "cái tôi" và khao khát được thay đổi vị trí hay lương thưởng. Khát khao của bạn nên được thể hiện là mong muốn tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, chứ đừng trở thành một người chỉ muốn được thăng chức vì một văn phòng mới, bàn làm việc mới hay một tấm biển chức danh đặt trên bàn. Tất nhiên, ai cũng thích được như vậy – bởi lẽ, chúng ta đều là con người – nhưng chúng không nên được sử dụng là động lực cơ bản để được thăng tiến.
Kiềm chế mong muốn được nói ra tất cả những gì bạn biết hoặc khoác loác rằng công việc này với bạn chẳng có gì khó khăn - cả hai điều này đều không tốt. Thay vì như vậy, hãy chia sẻ điều bạn đã học được, thể hiện là người biết tiếp thu và trung thực. Nếu đột nhiên bạn tìm ra một cách mới để hoàn thành công việc hiệu quả hơn thì đừng nói rằng "tôi cảm thấy như thể ai đó đã mách nước cho tôi vậy", bởi vì cách nói này sẽ khiến đồng nghiệp hiểu lầm rằng bạn đang cố gắng thể hiện bản thân mình thay vì sự khiêm tốn.
3. Liên tục tự cải thiện bản thân
Hãy nghĩ theo cách này: Bạn đang tham gia dự án lớn nhất trong sự nghiệp của bạn và hãy luôn nghĩ như vậy.
Khi khả năng/tay nghề của bạn đã đạt đến những "level" nhất định của sự thành thạo thì hãy dành thời gian để tự thưởng cho chính mình. Sau đó, chuẩn bị sẵn sàng và tiếp tục thử thách bản thân làm được nhiều hơn – thậm chí là tốt hơn nữa.
Đây được gọi là quá trình tự cải thiện. Đa phần, mọi người đều làm những gì mà họ biết rằng họ có thể hoàn thành chứ không phải là những thứ mà họ cần cải thiện. Thay vì như vậy, hãy tự đánh giá bản thân một cách khách quan và dũng cảm làm tất cả mọi thứ sẽ giúp bạn đạt được thành công của riêng mình.
Nếu không chắc chắn để bắt đầu? Hãy hỏi ông chủ công việc này bạn có thể làm tốt hơn, sau đó, quyết tâm làm việc để tạo ra những sự cải thiện có ý nghĩa. Quá trình này sẽ giúp bạn nhận ra điểm yếu của mình mà có thể, nếu không khắc phục, chúng sẽ trở thành chướng ngại vật cản trở con đường thăng tiến của bạn.
4. Tìm kiếm những dự án dài hạn
Những công việc mà đòi hỏi mất nhiều thời gian để hoàn thành thì thường sẽ rất phức tạp. Tương tự, việc bạn muốn được thăng chức lên những vị trí càng cao thì yêu cầu nhiệm vụ cũng sẽ càng khó khăn hơn trước.
Quản lý sự phức tạp hoàn toàn khác với việc trở nên thông minh. Nó liên quan đến việc quan sát nhiều công việc với các mục tiêu và chiến lược thực thi có tính biến đổi. Do vậy, hãy học cách kiểm soát các dự án gồm nhiều cấp độ khác nhau bằng cách lựa chọn các đầu việc có sự phức tạp tăng dần dần theo từng nấc. Điều này sẽ giúp bạn bớt cảm thấy rắc rối và dễ dàng kiểm soát mọi thứ.
Hãy nhớ rằng bạn muốn mình được thoải mái chứ không phải bị "chết đuối" trong một "đại dương" công việc. Do vậy, nếu liên tục đảm nhận các công việc mà thường được hoàn thành trong một hoặc 2 tháng thì đừng vội vàng nhận các dự án mà mất một năm mới hoàn thiện. Hãy chọn các dự án kéo dài dưới một năm như 3 tháng hay 6 tháng trước.
Khi bạn thể hiện rằng mình là người thành thạo trong việc kiểm soát các dự án có độ phức tạp và thử thách thì tức là bạn đã chứng minh rằng mình có thể đảm nhận các vị trí có yêu cầu cao hơn nữa.
5. Luôn thể hiện các kỹ năng làm việc nhóm của bạn
Đảm nhận các vị trí quản lý cấp trung và cấp cao trong môi trường làm việc nhóm nghĩa là bạn cần thể hiện vai trò lãnh đạo của mình, khiến mọi người phải chủ động làm việc mà không cần phải sử dụng chức danh hay đưa ra các mệnh lệnh. Các đội nhóm mạnh, hiệu quả luôn có ít nhất một người có khả năng như vậy. Họ biết cách khai thác các "siêu lợi ích" của việc lắng nghe, thỏa hiệp, là người trung gian đóng vai trò kiểm soát mọi thứ và cân bằng giữa các luồng ý kiến. Hãy trở thành những người như vậy.
Thế nên, hãy luyện tập kỹ năng làm việc nhóm bất cứ khi nào bạn có thể. Đừng nghĩ rằng việc bạn lãnh đạo một nhóm nào đó sẽ khiến ông chủ khó nhận ra bạn là người lý tưởng nhất cho các vị trí cao hơn. Thực tế, muốn gây ấn tượng với sếp, bạn cần chứng tỏ mình là một thành viên đích thực của đội – người mà có thể tạo ra các giá trị thêm vào cho đội và cho tổ chức thông qua việc hỗ trợ tốt nhất cho các thành viên khác.
Một điều mà bạn cần nhớ rằng sếp không có trách nhiệm giúp bạn tìm ra được công việc mơ ước mà bạn muốn. Đó là nhiệm vụ của bạn. Tuy nhiên, khi một nhà quản lý nhìn thấy những yếu tố này ở một nhân viên, họ sẽ luôn tìm cách để giúp đỡ người đó phát triển (điều này cũng đồng nghĩa với việc họ đang "nhắm" bạn cho một vị trí nào đó). Do vậy, trước khi quyết định có một buổi nói chuyện trực tiếp với sếp thì hãy lập kế hoạch thực hiện 5 bước này. Lúc đó, cơ hội thăng tiến sẽ rộng mở với bạn.