Khi Facebook đã trở thành mạng xã hội lớn nhất hành tinh thì gần như không có "cư dân" nào trong thế giới này không biết đến Mark Zuckerberg.
Hơn 10 năm trước, trong một căn phòng ở khu ký túc xá Kirkland House của Đại học Harvard, Mark Zuckerberg (khi đó, khoảng 19 tuổi) đã thành lập Facebook cùng với bạn bè là sinh viên khoa khoa học máy tính và bạn cùng phòng Eduardo Saverin, Dustin Moskovitz và Chris Hughes. Tiền thân của Facebook là trang Facemash.
Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động chưa lâu thì Facemash bị ban quản lý của trường Harvard phạt vì vi phạm an ninh, xâm phạm bản quyền, quyền tự do cá nhân và Mark đối mặt với nguy cơ bị đuổi học.
Sang học kỳ tiếp theo, Zuckerberg thành lập "The Facebook", ban đầu đặt tại thefacebook.com, vào ngày 4 tháng 2 năm 2004. Việc đăng ký thành viên ban đầu giới hạn trong những sinh viên của Đại học Harvard, và trong vòng một tháng đầu tiên, hơn một nửa số sinh viên đại học tại Harvard đã đăng ký dịch vụ này.
Sau khoảng 10 năm, đến nay, Mark đã 32 tuổi và là CEO của "mạng xã hội lớn nhất hành tinh" có giá trị lên tới 340 tỷ USD!
Rõ ràng, với những thành tích và nỗ lực như vậy, Mark đã mang đến cho chúng ta một bài học rằng các mục tiêu tưởng như không thể thực hiện đều có thể trở thành hiện thực nhờ hệ sinh thái công nghệ cao. Giờ đây, Mark đã trở thành một hình mẫu và là người tiên phong cho những đột phá mà người khởi nghiệp và các doanh nhân nên học hỏi.
Dưới đây là 3 bài học kinh doanh vô cùng quý báu từ "ông chủ" Facebook:
1. Học hỏi những điều mới, nhưng chỉ làm theo những gì mình thích
Trong một buổi nói chuyện tại trường khởi nghiệp Y Combinator (Y Combinator Startup School), Mark đã chia sẻ rằng các startup cần phải linh hoạt hơn trong việc theo đuổi từng mục tiêu của mình. Ngay cả trong bức thư gửi đến các cổ đông, anh cũng nhấn mạnh tới việc Facebook sẽ không bao giờ trở thành một công ty đúng nghĩa và rằng ban đầu, nó có thể chỉ phát triển giống như một sở thích đầy ngẫu hứng của nhà sáng lập. Tuy nhiên, nhờ sự linh hoạt trước thay đổi của thời gian, Facebook giờ đã trở thành một doanh nghiệp.
Sẽ rất tốt nếu ý tưởng của bạn có thể giải quyết những vấn đề nhỏ. Tuy nhiên, theo CEO Facebook thì tốt nhất là ý tưởng đó cần tạo ra tác động trên quy mô lớn đối với xã hội và để đạt được như vậy thì bạn cần thay đổi những việc mình làm. Mark cũng khuyên người trẻ đang có ý định kinh doanh cần tìm hiểu kỹ càng để khám phá ra được điều gì mình thích và không thích trước khi toàn tâm toàn ý theo đuổi thứ mình đã chọn.
2. Đừng cố gắng trở thành "siêu nhân"
Một lần, khi tham dự buổi hỏi đáp trực tiếp, Mark đã nhận được một câu hỏi về cách làm thế nào mà anh có thể vượt qua được những thách thức trong giai đoạn đầu của Facebook, chẳng hạn như tìm kiếm nhà đầu tư hay thu hút người dùng... Mark trả lời rằng: "Không ai có thể biết tất cả mọi thứ. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người khác, chẳng hạn như gia đình, bè bạn".
Nhiều người muốn khởi nghiệp nhưng sợ rủi ro và phạm sai lầm. Họ không dám đối mặt với thất bại. Tuy nhiên, ông chủ Facebook khẳng định việc nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ một nhóm người có thể cùng chia sẻ tầm nhìn với bạn sẽ là giải pháp tuyệt vời giúp bạn dễ dàng cân nhắc, dự đoán và phân tích kỹ lưỡng các khả năng cũng như đánh giá đúng đắn lựa chọn nào đáng để mạo hiểm.
3. "Hoàn thành" tốt hơn "hoàn hảo"
Tại trụ sở của Facebook ở Menlo Park (California, Mỹ), khẩu hiệu "Hoàn thành tốt hơn hoàn hảo" ("Done is better than perfect") được vẽ trên nhiều bức tường như một câu "thần chú" cho cả công ty. Khẩu hiệu này ám chỉ rằng quá trình đi từ hành động đến đánh giá phản ứng, sau đó là cải thiện dịch vụ được Mark ưu tiên hơn tất cả những thứ khác.
"Thay vì dành nhiều ngày để tranh luận về tính khả thi của một ý tưởng mới hoặc tìm cách tốt nhất để xây dựng một cái gì đó, các hacker thường tạo ra một phiên bản thử nghiệm trước rồi xem nó hoạt động hiệu quả đến đâu". Mark Zuckerberg ví đây như là cách làm việc của các hacker (The Hacker Way) và cũng áp dụng phương châm này cho công ty của mình.
Nhờ vậy, môi trường làm việc của Facebook luôn được bao trùm bởi tinh thần lạc quan và nhân viên luôn được tự do thách thức các giới hạn của bản thân mình để rồi sau đó lại nhận ra rằng "Việc này còn có thể tốt hơn nữa". Chính suy nghĩ đó càng khiến họ cố gắng nhiều hơn và luôn cố gắng cải tiến những gì đã đạt được.