Hệ thống giám sát virus của Bkav vừa phát hiện nhiều kết quả tìm kiếm dẫn đến một công cụ mạo danh hãng phần mềm Microsoft. Công cụ này chính là một loại virus phá hủy dữ liệu, nó sẽ xóa toàn bộ dữ liệu trên ổ đĩa C khi được kích hoạt.
Trong suốt tháng 10, virus Stuxnet là chủ đề thường xuyên được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông toàn cầu. Đây là loại virus từng gây ra vụ tấn công đình đám vào hệ thống điều khiển mạng công nghiệp - SCADA của Siemens ở Ấn Độ, Indonesia, Pakistan... sau đó xuất hiện tràn lan trong các cơ sở công nghiệp ở Iran.
Thậm chí, các chuyên gia nghi ngờ có động cơ chính trị đằng sau cuộc tấn công của Stuxnet vào Iran nhằm lấy cắp tài liệu mật về chương trình hạt nhân của nước này. Do tính chất phức tạp của những câu chuyện xung quanh Stuxnet, rất nhiều người sử dụng đã tìm kiếm trên Internet các công cụ (tool) để quét và gỡ bỏ virus này.
Hệ thống giám sát virus của Bkav đã phát hiện nhiều kết quả tìm kiếm dẫn đến một công cụ mạo danh hãng phần mềm Microsoft. Công cụ này không những không có tác dụng diệt Stuxnet mà chính là một loại virus phá hủy dữ liệu, nó sẽ xóa toàn bộ dữ liệu trên ổ đĩa C khi được kích hoạt.
Các chuyên gia an ninh mạng cho biết, để tránh tải nhầm các công cụ giả mạo vốn đang tràn lan trên Internet, người dùng nên truy nhập trực tiếp vào website của các công ty phần mềm diệt virus thay vì tìm kiếm trên mạng. Tốt nhất là sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền.
Tại Việt Nam, trong tháng 10 vừa qua, đã có 42 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập, trong đó có 4 trường hợp gây ra bởi hacker trong nước, 38 trường hợp do hacker nước ngoài.
Cũng trong tháng 10 đã có 4.337 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam. Các virus này đã lây nhiễm trên 4,4 triệu lượt máy tính. Virus lây nhiều nhất trong tháng qua là W32.AutoRunUSB.Worm đã lây nhiễm trên 229 ngàn lượt máy tính.