5 website mà bất cứ người dùng Linux nào cũng nên ‘bookmark’ ngay

Làm quen và dần tiến tới làm chủ một nền tảng hệ điều hành mã nguồn mở như Linux có thể là cả một quá trình dài và không đơn giản với nhiều người. Để đẩy nhanh quá trình đó, có người chọn cách học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, tham gia các diễn đàn, cộng đồng người dùng, hay đơn giản nhất là tham khảo thông tin từ các website chuyên về Linux.

Dưới đây là một số trang web rất đáng để bạn dành thời gian truy cập, tìm kiếm thông tin hữu ích, cũng như các mẹo sử dụng thú vị liên quan đến Linux. Qua đó giúp bạn nhanh chóng làm chủ hệ điều hành và có được trải nghiệm tối ưu nhất.

GamingOnLinux

 GamingOnLinux

Nếu bạn thích chơi game, GamingOnLinux là một nguồn tin tức tuyệt vời về tất cả những thứ liên quan đến trò chơi trên Linux và SteamOS mà bạn nên tham khảo thường xuyên. Đăng ký nguồn cấp dữ liệu RSS của trang web và bạn sẽ liên tục được cập nhật những tin tức mới nhất về các trò chơi mới sắp ra mắt trên Linux, cũng như các bản cập nhật thú vị về những tựa game hiện có. Ngoài ra, các bài đánh giá trò chơi thỉnh thoảng cũng xuất hiện và mang đến cho bạn nhiều thông tin bổ ích.

Nếu bạn là một người đam mê số liệu thống kê, GamingOnLinux cũng có một vài trang tổng hợp số liệu về các game thủ và các thiết bị Linux mà họ sử dụng. Trang Thống kê sử dụng dữ liệu được cung cấp bởi các thành viên đã đăng ký để đánh giá mức độ phổ biến của các bản phân phối Linux, môi trường desktop, phần cứng và gói driver cụ thể (trong cộng đồng GamingOnLinux). Chuyên mục Steam Tracker cũng là một khu vực thú vị, trong đó thống kê thị phần của Linux trên nền tảng Steam mà bạn có thể quan tâm.

Ngoài việc theo dõi doanh số bán trò chơi Linux, GamingOnLinux cũng duy trì một cơ sở dữ liệu về các trò chơi miễn phí có sẵn cho Linux và bạn có thể lọc chúng theo thể loại. Các game thủ cũng có thể lọc trò chơi theo giấy phép, tránh xa phần mềm nguồn đóng không phù hợp.

AppDB (và ProtonDB)

AppDB

Có một câu hỏi muôn thuở dành cho người dùng Linux: "Tôi có thể chạy chương trình Windows yêu thích của mình trên Linux không?". Nếu không có phiên bản gốc Linux của một ứng dụng Windows cụ thể, Wine có thể là giải pháp của bạn, và AppDB sẽ là nguồn dữ liệu giúp bạn ước tính mức độ hiệu quả của Wine đối với hệ thống của mình. Trên AppDB, bạn sẽ tìm thấy các báo cáo trải nghiệm thực tế của những người dùng khác khi chạy phần mềm Windows thông qua Wine. Và từ những trải nghiệm đó, mỗi ứng dụng sẽ nhận được xếp hạng tổng thể.

Giả sử bạn muốn chạy phần mềm chỉnh sửa ảnh yêu thích Photoshop trên máy tính Linux mới của mình. Bạn có thể tải xuống và cài đặt Wine, và trong khi chờ đợi, hãy tra cứu Photoshop trên AppDB. Tìm phiên bản Photoshop mà bạn muốn chạy và bạn sẽ thấy xếp hạng tổng thể cùng với các ghi chú cụ thể từ kết quả thử nghiệm. Bên cạnh đó là cả các bản phân phối cụ thể được sử dụng, nhận xét của người dùng (những nhận xét này thường chứa nhiều gợi ý hữu ích) và các lỗi đã biết.

ProtonDB (một trang web “anh em” với AppDB) chứa thông tin liên quan đến công cụ tương thích Proton. Proton là giải pháp của Valve để chạy các trò chơi Steam chỉ dành cho Windows trên Linux. ProtonDB, giống như AppDB, cung cấp cơ sở dữ liệu xếp hạng và đánh giá về hiệu suất trò chơi để bạn tham khảo khi cần.

Phoronix

Phoronix

Giả sử bạn vừa mua một chiếc laptop hoàn toàn mới, hoặc bạn đã nâng cấp PC của mình với một GPU tiên tiến. Nhưng bạn loay hoay mãi mà không thể chạy Linux trên đó vì gói hỗ trợ cho phần cứng của bạn chưa được thêm vào kernel. Bạn sẽ phải theo dõi và đợi cho đến khi gói hỗ trợ được tung ra. Nhưng làm thế nào để bạn biết khi nào điều đó sẽ đến? Thay vì dò dẫm thử mọi bản vá kernel, bạn chỉ cần xem nguồn cấp dữ liệu Phoronix.

Phoronix chứa đựng nhiều chủ đề về Linux và phần mềm nguồn mở, cũng như phân tích chuyên sâu liên quan đến tiến trình cập nhật kernel. Mặc dù một số thuật ngữ chuyên ngành có thể là một thách thức với những người không phải là nhà phát triển, nhưng về cơ bản, không khó để bạn tìm thấy những thông tin mà mình cần trên Phoronix.

Nếu bạn đang tìm hiều mua sắm phần cứng, Phoronix cũng thường xuyên đăng các kết quả đánh giá benchmark và review chi tiết liên quan đến các bộ xử lý, GPU, thiết bị ngoại vi, v.v. Nếu đăng ký thuê bao trả phí, bạn còn có thể có được trải nghiệm đầy đủ hơn và tham gia vào cộng đồng tích cực của những người đam mê phần cứng Linux.

DistroWatch

DistroWatch

Bạn quan tâm đến các bản phân phối Linux, nhưng không biết tìm nguồn tin ở đâu? Hãy truy cập DistroWatch. DistroWatch sẽ cho bạn biết khi có bản phân phối mới, tốt hơn, cùng với các bản cập nhật trên mọi bản phát hành Linux (và BSD). Bạn cũng sẽ tìm thấy các ý kiến đánh giá chuyên sâu về bản phân phối để có thể có được cái nhìn đầy đủ về những khía cạnh quan trọng đối với mỗi bản phân phối Linux.

Bên cạnh đó, DistroWatch cũng sẽ cung cấp thông tin chính xác về mức độ phổ biến và xu hướng của các bản phân phối Linux. Tóm lại, bạn sẽ tìm thấy gần như đầy đủ mọi thông tin mà mình cần đối với các bản phân phối Linux trên DistroWatch.

ArchWiki

ArchWiki

Không phải người dùng Linux nào cũng thích và sử dụng Arch, vậy tại sao ArchWiki vẫn là một nguồn tham khảo uy tín? Đơn giản bởi đây là một trong những cơ sở dữ liệu phong phú nhất liên quan đến các hướng dẫn và thông tin về cách sử dụng Linux. Nếu bạn đang cố gắng khắc phục sự cố một ứng dụng hoặc thực hiện sửa đổi hệ thống, bạn có thể tìm thấy sự trợ giúp trên ArchWiki. Nhiều tiện ích và khái niệm được thảo luận trong ArchWiki, như PulseAudio và systemd, tồn tại trong các bản phân phối khác, và bản thân các bản phân phối đó thậm chí có thể hướng bạn đến ArchWiki để biết thông tin.

Tuy nhiên, để tham khảo được nguồn thông tin trên ArchWiki, bạn cũng sẽ cần phải sở hữu một lượng kiến thức nhất định về Linux. Hầu hết các tác giả trên trang sẽ mặc định rằng bạn đã quen thuộc với các kiến ​​thức cơ bản về quản lý hệ thống Linux, và họ sẽ không giải thích bất kỳ điều gì. Tuy nhiên, trang trợ giúp của ArchWiki có thể phần nào giúp bạn hiểu hướng dẫn và thực hiện theo các quy trình một cách hiệu quả.

Và cũng nên lưu ý rằng ArchWiki thường giả định rằng bạn đang sử dụng Arch. Vì vậy, việc làm theo hướng dẫn sẽ giúp bạn nhận biết Arch khác với bản phân phối của bạn ở điểm nào. Nếu bạn muốn xem wiki gần với bản phân phối không phải Arch của mình, bạn cũng có thể tìm trợ giúp tại Ubuntu Wiki. Nó không toàn diện nhưng một số hướng dẫn có thể dễ làm theo hơn.

Trên đây là 5 website rất thú vị và hữu ích cho người dùng Linux. Bạn có biết thêm website nào khác không? Hãy để lại ý kiến bình luận nhé!

Thứ Bảy, 04/12/2021 20:28
4,34 👨 1.714
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Linux