Web 2.0 – Đi tìm “bảy phần chìm” của tảng băng trôi

Chứng kiến sự “tiến hoá” của thế giới web, người ta nhận ra rằng đã qua rồi cái thời người sử dụng web chỉ có “đọc và xem”, thụ động với các nguồn tin. Người dùng đòi hỏi nhiều hơn thế, họ muốn đóng góp nguồn tin, sáng tạo nên các nội dung và chủ động một cách tối đa trên internet. Đòi hỏi đó cùng với sự cho phép của công nghệ đã đưa đến một thế hệ web mới với tên gọi web 2.0.

Hiểu thế nào về web 2.0?

Thuật ngữ web 2.0 lần đầu tiên được xuất hiện vào tháng 10/2004 khi Dale Dougherty, phó chủ tịch của OReilly Media đưa ra tại một cuộc hội thảo... Mặc dù thuật ngữ này nói tới một phiên bản mới của World Wide Web, song đại đa số chuyên gia không coi đây là sự nâng cấp về các đặc tính kỹ thuật, mà chủ yếu là sự thay đổi về cách phát triển phần mềm cũng như những người sử dụng web đầu cuối. Hay nói cách khác, web 2.0 thể hiện cách tư duy mới về thế giới web.

Ông William Tam, Giám đốc kỹ thuật Websense khu vực châu Á –TBD cho rằng “Web 2.0 được hiểu là môi trường cho phép mọi người có thể mang tới mọi thông tin, chia sẻ mọi quan điểm dù là ở dạng text, video hay một phương thức nào đó”.

Ông Đỗ Văn Ngọc, Phụ trách kỹ thuật Công ty Misoft đưa ra nhận xét “Điểm khác biệt lớn nhất giữa web 2.0 và web 1.0 là cái nền tảng để cho người dùng người ta tự biến các nội dung, ứng dụng mà người ta sẽ sử dụng trên nền tảng web 2.0 đó”.

Theo ông Phạm Thúc Trương Lương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Tinhvân “Web 2.0 được mô tả ở một số tính năng như là khả năng giao tiếp, tính tương tác giữa các người dùng với nhau hay là những yếu tố cho phép người dùng có thể tạo ra thông tin... về công nghệ web 2.0 có những đặc thù mới như là Ajax, RSS hay là các ứng dụng web khác."

Cũng theo ông Lương, những định nghĩa về web 2.0 mang tính tương đối và định nghĩa nào cũng gây tranh cãi cả.

Có thể thấy rằng, dù chưa được thống nhất một khái niệm chung nhưng làn sóng mà web 2.0 tạo ra đang từng ngày làm đổi thay bộ mặt của web và xa hơn là cách tư duy về tương lai của internet... Các loại dịch vụ web 2.0 như mạng xã hội, blog, các trang web bán hàng trực tuyến... đang đạt đến một mức độ phát triển như vũ bão, và thực sự làm khuấy động thế giới internet.

Nhìn vào các con số thể hiện sự gia tăng chóng mặt của mạng xã hội - đại diện tiêu biểu nhất của web 2.0, người ta có thể cảm nhận được mức độ ảnh hưởng của thế hệ web này. Theo một con số thống kê không chính thức, cả thế giới có đến hơn 500 mạng xã hội, toàn cầu có 1 tỉ người dùng mạng xã hội và facebook là mạng xã hội đứng ở vị trí số 1 với trên 30 triệu thành viên.

Công nghệ chỉ là “3 phần nổi”?

Thực tế, ứng dụng trên web là thành phần rất quan trọng của Web 2.0. Hàng loạt công nghệ mới được phát triển nhằm làm cho ứng dụng trên web "mạnh" hơn, nhanh hơn và dễ sử dụng hơn, được xem là nền tảng của Web 2.0. Kiến trúc công nghệ của Web 2.0 hiện vẫn đang phát triển nhưng cơ bản bao gồm: phần mềm máy chủ, cơ chế cung cấp nội dung, giao thức truyền thông, trình duyệt và ứng dụng. Những công nghệ này được đánh giá là bước phát triển ấn tượng của thế giới web. Tuy nhiên, bạn hãy tưởng tượng như thế này: tất cả các yếu tố công nghệ cho web 2.0 đã sẵn sàng, công cụ luôn mở nhưng nếu không ai hào hứng với những gì mà các nhà phát triển công nghệ cung cấp, tất cả sẽ trở nên vô nghĩa. Web 2.0 thiếu cộng đồng cũng không khác gì việc người ta xây một ngôi nhà rất đẹp nhưng không có người ở...

Ý kiến công nghệ chỉ là "bề nổi" của Web 2.0, chính cộng đồng người dùng mới là yếu tố nền tảng tạo nên thế hệ web mới - đang nhận được sự đồng thuận của nhiều người.

Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc kỹ thuật công ty Naiscorp bày tỏ sự đồng tình với quan điểm trên qua nhận xét “trong hai yếu tố rất quan trọng của web 2.0 là yếu tố công nghệ và cộng đồng thì yếu tố nền tảng là yếu tố công nghệ nhưng yếu tố quan trọng nhất để quyết định tương lai của web 2.0 lại là yếu tố cộng đồng – người dùng, sự đóng góp trí tuệ tập thể”.

Nhìn vào thực tế, có thể thấy hành vi của người dùng với web đang thay đổi.

Trên thế giới phẳng của web, người dùng muốn được trao quyền nhiều hơn, họ muốn đẩy mạnh sự liên kết với cộng đồng những người dùng khác. Web 2.0 cho phép mọi người có thể đưa lên mạng bất cứ thông tin gì, cho phép họ xác lập rất nhanh các mối quan hệ, chính vì thế web 2.0 tạo được những nguồn cảm hứng mới cho người dùng – điều mà web 1.0 không thể làm được...

Về điều này, ông William Tam, Giám đốc kỹ thuật Websense khu vực châu Á –TBD phân tích “khác với web 1.0, các website 2.0, giúp người dùng tham gia theo hướng tích cực hơn, ở cả hai chiều chứ không phải đơn thuần 1 chiều như trước đây. Khả năng tương tác cao chính là đặc điểm nổi bật nhất của web 2.0, điều này khiến web 2.0 đang thực sự trở thành một làn sóng trên toàn cầu”.

Trong dòng chảy của web 2.0, thuật ngữ “User Generated Content” – nghĩa là người dùng tạo ra nội dung, ngày càng xuất hiện nhiều hơn. “Người dùng tạo ra nội dung” được hiểu rằng: Đơn vị sở hữu website chỉ đóng vai trò cung cấp kho lưu trữ, tính năng và giao diện, còn phần nội dung sẽ được người sử dụng tạo nên. Như vậy, khả năng tương tác 2 chiều giữa người dùng và các website được đẩy mạnh đến mức tối đa – điểm khác biệt lớn nhất để tạo nên làn sóng web 2.0.

Hãy xem một ví dụ đến từ trang web Wikipedia - trang web được mệnh danh là bách khoa toàn thư, với nội dung hoàn toàn do người dùng đóng góp. Trang web này ngày càng phình ra với sự phát triển gần như không có giới hạn. Độ tin cậy của các thông tin mà Wikipedia mang lại cũng đang từng ngày được khẳng định khi có rất nhiều người truy cập vào trang này để lấy lấy lại nguồn thông tin, trích dẫn, đăng tải lên các phương tiện thông tin khác... Những điều này chưa từng xuất hiện ở thế hệ thứ nhất của world wide web.

Có thể nói, công nghệ đang cho phép cộng đồng sáng tạo nội dung nhưng ở một khía cạnh khác cần phải thấy được rằng, chính đòi hỏi và suy nghĩ của cộng đồng đã khiến các nhà phát triển công nghệ phải chạy theo để mang đến những công cụ web tối ưu hơn.

Nhiều người cho rằng không có yếu tố công nghệ, web 2.0 không thể tồn tại. Điều đó đúng nhưng không đủ. Thực tế đã chỉ ra rằng, web 2.0 sẽ không thể phát triển và tạo nên làn sóng mạnh mẽ như hiện tại nếu không có sự đóng góp của cộng đồng. Với tầm quan trọng của trí tuệ tập thể, tinh thần cộng đồng, khả năng chia sẻ và tương tác cao, web 2.0 cũng đang khiến quan điểm về truyền thông cũng dần phải thay đổi. Bên cạnh các kênh truyền thông chính thống như truyền hình, truyền thanh, báo in, báo điện tử... truyền thông phi chính thống dường như đang tạo được chỗ đứng.

Web 2.0 – đòn bẩy cho truyền thông phi chính thống

Không thể phủ nhận rằng, các hot blogger, những người nổi tiếng trên mạng xã hội ảo ít hay nhiều đều đã tạo ra được những quyền lực của mình. Trong một số trường hợp, thông tin mà một blogger đưa ra còn được cộng đồng mạng tin tưởng hơn một tờ báo chính thống. Tại Mỹ, vào tháng 1 năm 2007, trong vụ xử Lewis “Scooter” Libby, cựu chánh văn phòng của Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney, lần đầu tiên các blogger được xếp chỗ ngồi quan sát phiên toà ngang hàng với các nhà báo chuyên nghiệp. Sự kiện này đánh dấu sự thay đổi nhận thức quan trọng của xã hội đối với những người đưa tin phi chính thống. Ở đất nước mà truyền thông rất phát triển này, thậm chí, người ta còn xếp các blogger vào nhóm “quyền lực thứ năm”.

Có clip trên youtobe thu hút được hàng chục triệu người xem – điều đó cũng không khác gì sức hút của một cái kênh truyền hình. Như vậy để thấy nội dung do người dùng tạo ra đang ngày càng có được vị thế lớn. Ở Mỹ, còn có các kênh truyền thông chính thống cho phép người dung tham gia tạo ra nội dung, như là CNN có kênh ireport - cho phép người dùng upload các đoạn clip, ảnh, các đoạn ghi âm về những phóng sự họ ghi nhận được tại hiện trường” – Ông Phạm Thúc Trương Lương bổ sung thêm.

Tại Việt Nam, trên các diễn đàn, điều tương tự cũng đang xảy ra... ý kiến của một cá nhân được cộng đồng tin tưởng có thể đem lại những giá trị truyền thông không ngờ. Chính vì vậy, nhiều công ty đã cho quảng cáo sản phẩm của mình trên các diễn đàn, nhiều kế hoạch truyền thông được thực hiện hiệu quả nhờ việc len lỏi vào các diễn đàn. Không thể phủ nhận, với xu thế của web 2.0, cách thức truyền thông phi chính thống đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Web 2.0 Việt Nam – thách thức nhiều hơn cơ hội?

Hoà vào làn sóng web 2.0 của thế giới, tại Việt Nam, các dịch vụ web 2.0 cũng đang nở rộ như “nấm sau mưa”... Không thiếu bất cứ một dịch vụ nào... từ mạng xã hội, blog... chia sẻ video, chia sẻ âm thanh... tất cả được người dùng đón nhận với sự hào hứng dễ nhận thấy.

Tuy nhiên, có cảm giác rằng, các dịch vụ này của Việt Nam vẫn chạy theo trào lưu là chủ yếu, mục đích kinh doanh chưa được tính đến hoặc vẫn chưa nảy sinh những cơ hội để thực hiện. Có quá nhiều thách thức cho web 2.0 Việt Nam mà thách thức lớn nhất vẫn là hệ thống thanh toán điện tử vẫn chưa được thực hiện theo đúng nghĩa của nó.

Thực tế, trong cơn lốc của web 2.0, nhiều người đã nghĩ đến giai đoạn thoái trào của nó. Với Việt Nam điều này càng dễ xảy ra khi các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chưa nhìn thấy nguồn thu từ web 2.0 để tái đầu tư cho công nghệ. Bài toán về nguồn tiền cho web 2.0 một lần nữa được đặt ra như là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tương lai của thế hệ web mới.

Ông Phạm Thúc Trương Lương chia sẻ: “Có một lý do cơ bản để web 2.0 có thể thoái trào là nó không có nguồn tiền để nuôi những ứng dụng này. Nguyên nhân mà nhiều người cho rằng web 2.0 không thể kiếm được tiền bởi phần đông các nhà quảng cáo trực tuyến vẫn còn tâm lý không muốn đặt những quảng cáo của họ bên cạnh những nội dung do người dùng tạo ra, bởi họ không thể biết trước những quan điểm đó có cực đoan hay không”...

Và quả thực, trong dòng chảy không ngừng nghỉ của thế giới công nghệ, ngay khi web 2.0 đang ở vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, người ta đã bắt đầu nói đến các thế hệ web tiếp theo web 3.0, web 4.0 như là thừa nhận web 2.0 chỉ là một giai đoạn trong quá trình tiến hoá của thế giới web. Nhưng có thể khẳng định rằng giai đoạn web 2.0 rất quan trọng cho tương lai của world wide web, bởi nó đánh dấu một cách nhìn khác, lối tư duy khác về thế giới này.

Thứ Ba, 07/07/2009 09:47
2,52 👨 1.552
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản