Việc cần làm khi chuyển sang giao diện Timeline của Facebook

Giao diện Timeline mới của Facebook đã có hiệu lực với đông đảo người dùng. Sau đây là những cách tinh chỉnh cần quan tâm khi chuyển sang giao diện này.

Việc cần làm khi chuyển sang giao diện Timeline của Facebook

Trước đây, việc xem lại các hoạt động trong quá khứ của người dùng đối với các thành viên khác là bất khả thi. Với Facebook Timeline, toàn bộ hoạt động trên Facebook của người dùng được sắp xếp lại theo thứ tự thời gian, kể từ khi họ bắt đầu gia nhập Facebook. Do đó, những người trong danh sách bạn bè của người dùng có thể dễ dàng “bới” lại lịch sử hoạt động trên Facebook của ai đó chỉ bằng vài cú nhấn chuột.

Tuy nhiên không phải ai cũng thích điều đó. Đối với nhiều người, quá khứ là những thứ không nên chạm tới (cho dù trước đây họ đã công khai nó trên mạng xã hội để rồi… quên mất). Những lưu ý dưới đây dành cho người thích dùng giao diện Timeline nhưng lại không muốn tất cả thông tin hoạt động cũ của mình bị phơi bày trước cặp mắt “bạn bè” trên Facebook.

Kích hoạt Timeline

Có 3 cách để làm việc này. Bạn có thể vào trang Timeline của Facebook để kích hoạt. Bạn cũng có thể chờ Facebook mời bạn dùng thử Timeline và kích hoạt nó qua hướng dẫn. Cuối cùng, đối với những ai muốn trì hoãn sử dụng tính năng Timeline này càng lâu càng tốt thì Facebook sẽ cho bạn “nghía” qua giao diện này một khoảng thời gian để qua đó quyết định có nên sử dụng hay không. Theo ý kiến người viết thì Timeline là một phương thức khá hay để tái thưởng thức các hoạt động trong quá khứ trên Facebook của người dùng. Tuy nhiên, có mấy điểm bạn nên quan tâm trước khi chấp nhận sử dụng giao diện này.

Ẩn các bài đăng cũ

Trong trường hợp bạn không muốn các nội dung cập nhật trạng thái, thư viện ảnh, đường dẫn mà bạn chia sẻ hoặc bấm Like… hiển thị trên Timeline, bạn cần chú ý tới góc phải phía trên ở mỗi thông tin/bài đăng đó. Nhấn chọn vào biểu tượng bút chì và chọn "Hide from Timeline". Trong trường hợp bạn chọn ẩn các hoạt động của ứng dụng Facebook (ví dụ như ứng dụng Washington Post Reader, các tùy chọn của menu ngữ cảnh có thể khác đi đôi chút.

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các bài đã đăng, hãy tìm thanh trượt nằm phía bên phải màn hình có liệt kê các mốc thời gian theo năm. Bấm vào khoảng thời gian mà bạn “áng chừng” đã đăng bài đó để tìm. Thậm chí bạn còn có thể tìm theo tháng.

Kiểm tra nội dung lưu trữ

Nếu bạn vẫn muốn giữ một bài viết trên Timeline nhưng lại muốn giới hạn quyền xem trong một số ít người, bạn có thể thay đổi thiết lập cho riêng từng bài trong mục Activity Log. Nhấn vào "Activity Log" bên dưới tấm ảnh nền Timeline để làm hiện ra một trang liệt kê toàn bộ các hoạt động của bạn trên Facebook được sắp xếp theo ngày.

Có một vài dạng thông tin, như những gì bạn đã viết trên Wall (tường) nhà bạn bè, sẽ không thể hạn chế được theo kiểu này nhưng lại có thể xóa được. Các bài đăng và thông tin hiển thị trong trang của bạn như nội dung cập nhật trạng thái, các đường dẫn có thể hạn chế người xem được. Để thực hiện điều này, hãy nhấn vào biểu tượng nằm ở góc các thông tin này để làm xuất hiện một menu dạng xổ xuống giống như menu tùy chọn trong phần quản lý riêng tư của Facebook. Tại đây bạn có thể thiết lập các tùy chọn khác nhau theo ý muốn.

Bạn cũng có thể chọn hiển thị các dạng dữ liệu nào trong phần lưu trữ các hoạt động Facebook. Nó sẽ trở nên hữu ích trong trường hợp bạn chỉ muốn xem một số dạng thông tin nhất định như các ghi chú, bài đăng, các nội dung “Like” mà bỏ qua các thông tin “ngồn ngộn” mà Facebook thường mang lại. Bạn cần phải tìm lên phía trên của Activity Log và nhấn chọn menu xổ xuống "All" rồi sau đó thiết lập các bộ lọc cho riêng mình.

Làm nổi bật thông tin

Nếu bạn muốn nhấn mạnh một thông tin nào đó như ảnh, sự kiện hay một nội dung mà bạn ưa thích, bạn tiếp tục nhấn chọn vào góc trên bên phải của thông tin đó. Thay vì chọn biểu tượng bút chì, hãy nhấn chọn biểu tượng ngôi sao và thông tin này sẽ được hiển thị trong cột chính của Timeline.

Ngay khi bạn chọn kích hoạt Timeline, Facebook sẽ tự động làm nổi bật một số thông tin nó cho là quan trọng đối với bạn như thời điểm lễ tốt nghiệp hay ngày bắt đầu làm việc. Trong trường hợp bạn không muốn hiển thị chúng, đơn giản chỉ cần bỏ chọn (nhấn vào biểu tượng ngôi sao) tại các thông tin tương ứng.

Cài đặt "ảnh bìa" Timeline

Phía trên cùng trang hồ sơ của bạn là nơi hiện diện một tấm ảnh lớn và sẽ là thứ đầu tiên được nhìn thấy trên trang Facebook của bạn. Bạn có thể chọn bất kỳ tấm hình nào bạn thích và sẽ mất khoảng vài phút để tấm ảnh ấy hiển thị ở vị trí ảnh bìa. Lưu ý là "ảnh bìa" này được hiển thị công khai và bất kỳ thành viên Facebook nào cũng có thể xem được.

Kiểm tra hiển thị

Sau khi đã tiến hành chỉnh sửa các cài đặt Timeline, có thể bạn sẽ muốn kiểm tra xem nó trông như thế nào đối với khách ghé thăm Facebook của bạn. Để thử, bạn nhấn vào biểu tượng bánh xe răng (cạnh Activity Log) bên dưới ảnh bìa và chọn "View As...". Sau đó bạn sẽ thấy được giao diện Facebook của mình sẽ hiển thị ra sao đối với người khác. Để trở lại với Facebook, bạn nhấn chọn "Back to Timeline".

Thứ Ba, 03/01/2012 08:00
31 👨 3.256
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản